Nhưng tác giả không đầu hàng số phận, đã tập đi, tập nghe tiếng con nói, tập giao tiếp, tự làm đẹp, làm nội trợ, nhận trông trẻ, dạy trẻ, tự học vi tính, viết văn và nay đã trở thành cây bút có bài thường xuyên trên các báo.
Đọc những bài viết về Liên trên các báo, tôi cũng phấn khởi vì tôi là “bà đỡ” cho cuốn sách này. Ngay đầu cuốn sách TÔI PHẢI SỐNG, tác giả Dư Phương Liên đã dành cho tôi lời cảm ơn: “Đặc biệt, nhà báo Cao Thâm, đã chỉnh sửa, nâng cao chất lượng nội dung bản thảo. Ông đã tiếp sức và thổi bùng lên trong tôi ngọn lửa niềm tin và lòng say mê vào công việc viết văn, viết báo. Nhờ đó, cuốn tự truyện đã hoàn thành nhanh chóng, giá trị hơn nhiều so với bản thảo ban đầu”.
Chợt nhớ, cách đây khá lậu, khi tôi chủ trì biên soạn cuốn sách lịch sử truyền thống cho Trường THCS Phúc Lâm (ngoại thành Hà Nội), đọc được bài viết rất hay của cô giáo Dư Phương Liên. Tôi đề nghị thầy Hiệu trưởng cho gặp tác giả để chỉnh sửa một vài chi tiết trong bài viết và xin ảnh tư liệu cá nhân. Thầy Hiệu trưởng bảo, cô Liên đang bị ốm, rồi thầy cho tôi số điện thoại của Liên.
Về nhà, tôi gọi mấy cuộc điện thoại cho Liên nhưng cô đều từ chối, khiến tôi tổn thương. Sau, tôi mới biết, Liên bị u não, mổ 2 lần, suýt chết. Sau các ca đại phẫu, thính lực của Liên mất hoàn toàn; thị giác chỉ khoảng 1/10, đọc, viết phải nhờ con trai. Tuy vậy, Liên cũng lập FB. Qua FB, tôi thường chia sẻ, động viên Liên viết. Thi thoảng, tôi tặng Liên cuốn sách của tôi mới xuất bản.
Trước khi diễn ra đại dịch Covid, Liên nhắn tin cho tôi bảo, cô đã viết xong cuốn tự truyện, gửi đi nhiều nhà xuất bản, đều bị từ chối in và nhờ tôi có cách gì để giúp cô ấy. Đọc bản thảo, tôi bất ngờ về nét tài hoa qua những trang văn tươi rói của Liên viết về tuổi hoa niên; về những trang miêu tả nỗi đau đớn tuyệt vọng của Liên sau những ca mổ v.v. Và, tôi cũng nhận ra lí do vì sao bản thảo của Liên bị các nhà xuất bản từ chối. Là vì, Liên sắp xếp bố cục tác phẩm theo trình tự diễn biến của thời gian xảy ra sự việc. Có nhiều đoạn Liên sa đà vào kể lể, không kích thích sự tò mò của độc giả.
Bản thảo nhiều lỗi chính tả, chấm câu và viết hoa không chính xác (sau này tôi mới biết, bản thảo do Liên đọc cho con trai đánh máy)... Nhận ra điều đó, tôi đã hướng dẫn Liên sắp xếp lại bố cục; lắp ghép những “máng, miếng” lại với nhau vẫn đảm bảo tính logic của tác phẩm... Việc hướng dẫn chủ yếu qua tin nhắn. Thi thoảng, tôi liên nhà Liên cùng sửa bản thảo. Liên không nghe được, chúng tôi phải dùng cái bảng, trao đổi qua chữ viết bằng bút dạ, chữ rất to trên cái bảng đó.
Ít bà mẹ nào thương con như mẹ Liên; ít ông chồng nào thương vợ như thầy Tuấn, chồng Liên. Khi bản thảo hoàn thành, tôi giao cho cô học trò của tôi là phóng viên Nguyễn Trang Nhung, Giám đốc Công ty CP Sáng tạo IQ Việt Nam làm các thủ tục cấp phép, in ấn. Mẹ và chồng Liên đề nghị chỉ in 300 cuốn cho Liên vui thôi. Tôi đề xuất, phải in 1000 cuốn, Công ty Sáng tạo IQ VN của Trang Nhung sẽ làm công văn gửi tới các trường trong huyện mà Liên và chồng liên giảng dạy, đề nghị mua sách cung cấp cho các thư viện trường học vì những mục đích nhân văn.
Tôi trực tiếp thảo công văn, Trang Nhung kí tên, đóng dấu. Sách in xong 1000 cuốn. Tôi giục thầy Tuấn gửi sách mẫu kèm công văn tới các trường - những nơi có bạn thầy Tuấn làm quản lí. Thầy Tuấn rụt rè, bảo, ngại lắm, ngại lắm, bác ạ. Tôi là thầy giáo mà lại đi bán sách cho vợ, học sinh và đồng nghiệp họ cười cho. Ngại lắm, ngại lắm.
Không ngờ, chẳng cần đến Công văn gửi tới các trường đề nghị mua sách, cuốn “Tôi phải sống” vẫn đông đảo bạn bè của Liên và thầy Tuấn tìm mua. Trước hết phải kể đến các bạn: Nguyễn Loan, Ngọc Dịu, Mùa Thu Vàng v.v. đã viết bài giới thiệu sách trên fb, zalo của mình rồi chia sẻ cho nhiều người. Cuốn sách hay, rất hay, hàng xóm tôi đọc, có người bật khóc.
1000 cuốn sách đã phát hành hết trong thời gian ngắn, vợ chồng Liên in tái bản hàng nghìn cuốn. Liên viết trên fb của mình, nhà cô có lúc như một công xưởng. Trong nhà, người đóng gói, người viết địa chỉ; ngoài cổng, cánh xe ôm chầu chực nhận hàng... Hiện nay, cuốn sách vẫn đang được tái bản và phát hành./.