Quảng cáo #128

Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức”

Ngày 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR (thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức”.
phien1-chinhsach-kinhte-1728973423.jpg
Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức” ngày 15/10/2024.

Chương trình Tọa đàm được tổ chức ngay trước khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến vào ngày 21/10/2024. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 42 nội dung, trong đó có 30 nội dung về công tác lập pháp, 12 nhóm nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Do đó, báo cáo Kinh tế vĩ mô và các kiến nghị chính sách tại Tọa đàm này được kỳ vọng sẽ là một trong các nguồn thông tin tham khảo hữu ích, góp phần giúp các đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết sách đúng và trúng với các nhu cầu cấp bách của nền kinh tế hiện nay.

ong-lqminh-1728973662.jpg
Ông Lê Quang Minh - Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã có những chia sẻ, trình bày cái nhìn tổng quan về bức tranh kinh tế Việt Nam trong Quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024. Theo thống kê, kết thúc Quý 3, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể, với niềm tin vào triển vọng tăng trưởng toàn cầu vào cuối năm 2024 và năm 2025.

GDP 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng ấn tượng, đạt 6,82%, cao hơn 1,5 lần so với mức 4,4% của cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo. Trên phương diện tổng cầu, sự khởi sắc của thương mại cùng dòng vốn FDI tích cực đã trở thành những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế.

Báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn chưa quay lại mức trước đại dịch, trong khi áp lực lạm phát nửa đầu năm 2024 đã phần nào kìm hãm đà tăng trưởng của vốn đầu tư.

Điểm sáng là thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch, trong khi chi tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo ra dư địa tài khóa lớn. Điều này mở ra cơ hội tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngành chịu ảnh hưởng từ bão Yagi.

ongviet-1728973922.jpg
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã có những chia sẻ về số liệu thống kê về tăng trưởng kinh tế...

Bên cạnh đó, thương mại ghi nhận những bước tiến tích cực, vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục, du lịch bùng nổ trở lại, và tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm, thấp hơn nhiều so với mức trần của Ngân hàng Nhà nước.

Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình những năm trước đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt tương đối thành công giai đoạn vừa qua để giảm các “cú sốc” và can thiệp thanh khoản, giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp lãi suất điều chỉnh.

Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, VEPR đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2024. Ở kịch bản cao, GDP Quý 4 dự kiến sẽ giữ đà tăng trưởng ở mức 7,4%, giúp cả năm đạt mục tiêu 7% như Chính phủ đề ra. Trong kịch bản thấp, GDP Quý 4 có thể giảm xuống dưới 7%, và tăng trưởng cả năm sẽ dao động quanh mức 6,84%.

Triển vọng và thách thức

Cùng với đó, thương mại tăng trưởng tích cực, vốn FDI thực hiện đạt mức cao kỷ lục, du lịch phục hồi mạnh mẽ, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng cũng phục hồi khá tốt đã góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình trước đại dịch Covid-19.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt tương đối thành công giai đoạn vừa qua để giảm các cú sốc và can thiệp thanh khoản, giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp lãi suất điều hành.

cacdaibieu-1728974013.jpg
Các vị lãnh đạo, đại biểu, quý khách mời tham dự tại tọa đàm.

Theo đánh giá của VEPR, mặc dù nền kinh tế có nhiều điểm sáng tích cực, tuy nhiên vẫn còn có những rủi ro và thách thức ở phía trước, nhất là khi các chỉ số quản trị mua hàng PMI suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao, trong khi tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng. Nhìn xa hơn, xu thế phân mảnh kinh tế - chính trị toàn cầu, hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu khiến cầu bên ngoài có thể suy giảm.

Trao đổi tại tọa đàm, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu năm nay không đạt được mục tiêu phát triển tốt thì ảnh hưởng tới những năm sau. Thành tựu quý 3 năm nay tạo cho chúng ta niềm tin cho phục hồi và phát triển tiếp cho những năm tới.

ba-chilan-1728974122.jpg
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại tọa đàm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng bày tỏ: Tuy nhiên tăng trưởng trong Quý 3 vẫn dựa vào xuất khẩu nhờ bàn tay của doanh nghiệp FDI. Bao năm nay có động lực từ tiêu dùng trong nước và đầu tư chưa được tăng nhiều do ảnh hưởng của thời Covid tới hiện giờ...

bia-1728974180.jpg
Một số thông tin báo cáo, số liệu được đưa ra trong Phiên thảo luận với chuyên đề: Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn.

Cũng trong khung tọa đàm, các chuyên gia và khách mời đã tham gia Phiên thảo luận với chuyên đề: Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn.

Theo đó, tọa đàm sẽ ghi nhận ý kiến đa chiều về các vấn đề này với sự tham gia thảo luận của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia thuế, chuyên gia kinh tế, tài chính, nhà hoạch định chính sách dày dặn nhiều kinh nghiệm cùng các Hiệp hội ngành hang, sản phẩm đồ uống có cồn./.

Đại Lộc