Tham dự Hội nghị có: Đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND thành phố Huế, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Đồng thời, còn có sự góp mặt của các công ty du lịch, khách sạn lớn trên địa bàn; Các công ty liên quan Nông nghiệp, các Hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và 90 đại biểu quốc tế đại diện khách mời từ Đại sứ Hoa Kỳ, Anh, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản; Các tổ chức tài chính quốc tế: IFC, JBIC; Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM); Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF); 70 Công ty, doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Hội nghị diễn ra với các nội dung trao đổi giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) là sự kiện quan trọng trong việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực: du lịch, nông nghiệp, môi trường, điện và năng lượng. Đồng thời, kết nối và hỗ trợ cho các doanh nghiệp Thừa Thiên Huế với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài; tìm kiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá sản phẩm dịch vụ, đầu tư và tuyển dụng.
Cùng với đó, triển khai các hoạt động triển lãm sản phẩm, công nghệ của các doanh nghiệp, các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp Thừa Thiên Huế và doanh nghiệp Mỹ, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung, tiếp cận với các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư và công nghệ quốc tế để giới thiệu và kết nối đến cộng đồng địa phương và ngược lại.
Giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư và các chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, các khu công nghiệp và tiềm năng cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và điện trên địa bàn Tạo cơ hội gặp gỡ trực tiếp giữa các nhà đầu tư; hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động hợp tác, giao lưu, cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị cũng đã giới thiệu quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế, tranh thủ nguồn đầu tư của Hoa Kỳ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển Thừa Thiên Huế thành một thành phố văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, xanh và thông minh trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phát biểu và chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận, biểu dương những đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà đầu tư đối với sự phát kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua và chào đón các quý vị đại biểu, quý vị khách quý, các doanh nghiệp, chuyên gia, các nhà đầu tư đến tham dự Hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh" năm 2022. Đây là sự kiện quan trọng do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và các Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đồng tổ chức.
Hi vọng, sau Hội nghị này, sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nước quan tâm, đến tìm hiểu và đầu tư tại địa phương cũng như giới thiệu với các bạn bè đối tác để thực hiện đầu tư những dự án có hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP (4,36%), thu ngân sách trên 11 nghìn tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt trên 1 tỷ USD (tăng 19,2% so với cùng kỳ); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng (Công nghiệp – xây dựng 33,1%, Dịch vụ 46,8%, Nông lâm ngư nghiệp 11,3%); đồng thời vẫn đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 cũng như an sinh xã hội cho người dân, tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.
Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Do đó, việc áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống, vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, là một hướng tiếp cận quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được sự phát triển một cách toàn diện, bền vững tại địa phương, hiện thực hóa thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh./.