Đã là giặc thì dù “ngoại xâm” hay “nội xâm” cũng cần phải chống, phải bài trừ tận gốc. V.I. Lênin đã chỉ ra rằng nạn hối lộ là một trong 3 kẻ thù chính cùng với tính kiêu ngạo cộng sản và nạn mù chữ. Nếu còn nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị.
Trong trường hợp này, thậm chí cũng không thể nói đến làm chính trị, vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại hiệu quả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung túng và đang thịnh hành. Còn hối lộ, tham nhũng nhân dân sẽ thiếu tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chống tham ô là hành động cách mạng và dân chủ, bệnh tham ô - dưới bất kỳ hình thức nào, mức độ nào – cũng là kẻ thù của nhân dân. Nhưng, lại là vấn đề không đơn giản, vì nó không mang gươm, mang súng như thứ giặc ngoại xâm; nó cũng khác với việc đấu tranh chống các hành vi tội phạm ngoài xã hội. Đây là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, từng người.
Do vậy, cần nhận thức và vận dụng thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như: công tác tuyên truyền, giáo dục; nâng cao tính tiền phong gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên; công tác cán bộ; việc công khai, minh bạch trong hoạt động của từng cơ quan, tổ chức; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; công tác phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; sự giám sát của nhân dân; sự hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống tham nhũng… trên tinh thần đó, theo chúng tôi trong thời gian đến cần hướng sự tập trung vào những vấn đề sau:
Thứ nhất, xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi và lợi ích cục bộ.
Còn đặc quyền, đặc lợi và lợi ích cục là còn tham nhũng. Ở nước ta cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp được duy trì khá lâu, vừa tạo ra chủ nghĩa bình quân, vừa tạo ra những người được hưởng đặc quyền, đặc lợi, mà hễ khi có đặc quyền, đặc lợi thì dễ sinh ra tham ô, lãng phí. Điều này chẳng những diễn ra ở thời kỳ bao cấp trước đây mà hiện nay vẫn thế! Nếu trước đây, không thể hễ cứ ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công (lời Hồ Chủ tịch), thì ngày nay lại diễn ra trên một bình diện khác, từ việc không đủ tiêu chuẩn vẫn ngồi vào xe, việc lãnh đạo một số địa phương luôn tự mình đặt ra những quy định và luật lệ mới, với nhiều thủ tục rườm rà – mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, đến việc cài cắm lợi ích cục bộ khi soạn thảo luật, cơ chế… vì thế, con đường để đưa những điều khoản công khai, minh bạch là rất chật vật…
Chống đặc quyền, đặc lợi và lợi ích cục bộ không đơn giản vì sẽ đụng đến một số người không nhỏ, nhưng không thực hiện thì tình trạng tham nhũng vẫn còn tiếp diễn. Chống những vấn đề trên là xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; muốn vậy, phải xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật, pháp quy rõ ràng và chặt chẽ. Bổ sung và sửa đổi ngay các chế độ chính sách không còn phù hợp hoặc thiếu tính nhất quán, có những sơ hở tạo “cơ sở” cho những kẻ xấu, những phần tử thoái hóa, biến chất lợi dụng làm trái nguyên tắc và pháp luật. Nhà nước ta thống nhất quyền lực, cả nước chỉ có một hệ thống pháp luật và pháp quy, chứ không có “lệ”, sự vận dụng tùy tiện, tình trạng vô chính phủ sẽ làm tổn hại sự thống nhất của nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính.
Thủ tục hành chính rườm rà là mảnh đất tốt cho tham nhũng, vì lẽ đó tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là việc làm quan trọng, cấp thiết ở nước ta. Về vấn đề này Chính phủ đã có Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Thí dụ Đề án 30 được triển khai nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án 30 qua các giai đoạn (thống kê thủ tục hành chính và rà soát thủ tục hành chính) đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian đến, mà nhất là tình trạng nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa dành sự quan tâm thỏa đáng, cần thiết để chỉ đạo triển khai, thậm chí có nơi còn xem nhẹ…
Vì lẽ đó, cần tổ chức thực hiện tốt Nghị định Kiểm soát thủ tục hành chính sau khi có hiệu lực thi hành để kiểm soát các thủ tục hành chính ngay từ khâu dự thảo cho tới khâu thực thi, nhằm duy trì tính bền vững của các kết quả đã đạt được sau khi Đề án 30 kết thúc, hạn chế tối đa trong quá trình ban hành thể chế lại phát sinh nhiều thủ tục hành chính mới, tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Việc cải cách thủ tục hành chính phải diễn ra ngay trong quá trình xây dựng thể chế; phải công khai, minh bạch các quy định về thủ tục hành chính, có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận thông tin để thực hiện thủ tục hành chính cũng như giám sát việc thực hiện của các cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ ba, kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn.
Để kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn cần nâng cao việc kê khai tài sản cá nhân, việc kê khai tài sản cá nhân cũng nhằm góp phần khắc phục mức sống và sinh hoạt của một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất minh so với thu nhập và việc làm thực tế. Kinh nghiệm của thế giới thì việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng. Vì thế, chúng ta vừa thực hiện nghiêm những quy định đã ban hành - công bố bản kê khai trong chi bộ và trong cấp ủy, vừa nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện pháp luật để việc kê khai tài sản ngày càng có tác dụng thiết thực hơn, chẳng hạn phải có những quy định cụ thể về kiểm soát tài sản trong xã hội, nhất là bất động sản.
Quy định về kê khai tài sản là quan trọng, nhưng phải từng bước mở rộng công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập, và hoàn thiện các quy định để thẩm tra, xác minh nhằm bảo đảm tính trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập. Có lộ trình để áp dụng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt để điều tra tội phạm tham nhũng. Do sự nguy hại và tính chất khó khăn trong công tác phòng chống tham nhũng, các tổ chức quốc tế và đa số các nước trên thế giới đều khuyến cáo hoặc có quy định phải áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt để điều tra tội phạm tham nhũng*.
Thứ tư, phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng.
Trong những năm qua công tác phát hiện, xử lý những vụ việc tham nhũng chưa kịp thời, một số vụ việc để kéo dài, chậm kết luận làm rõ, hoặc xử lý chưa nghiêm… điều này đã gây bức xúc trong nhân dân. Nhằm khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tự nâng cao năng lực công tác và chủ động với nhau để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Trong đó, cần chú ý sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án theo Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQH 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Phát hiện thì phải xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với các hành vi tham nhũng. Không nghiêm minh, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, những người có chức, có quyền thì khó có thể bài trừ được tham nhũng, nhân dân và những người cấp dưới sẽ nhìn vào cách xử lý ấy mà “ứng biến”, bởi xử trên mà không nghiêm thì khó có thể xử nghiêm cấp dưới.. Điều đó cũng không phải đòi xử cấp trên, những người có chức, có quyền nặng hơn những người khác, mà mọi người phải bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo đảm; không có tình trạng ngoại lệ, dù người đó là ai.
Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã cho rằng có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, song đến khi có chút ít quyền hạn trong tay thì đâm ra hư hỏng; chúng ta phải cứu vớt họ, giúp họ khôi phục đạo dức cách mạng.
Cho nên, cùng với kiểm tra, quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm minh những vụ việc và cá nhân tham nhũng, cần tiến hành công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức, phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đây là biện pháp phòng ngừa tích cực nhất. Muốn đạt được điều trên thì việc tự phê bình và phê bình phải được thực hiện nghiêm túc, kiên quyết đấu tranh với những hành vi sai phạm, nhưng phải khoan dung với những ai biết sai phạm mà ăn năn, hối lỗi. Qua giáo dục đạo đức cách mạng để đưa cán bộ, đảng viên trở về với con đường đúng đắn nhằm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Thứ năm, dựa vào dân.
Phòng, chống tham nhũng là dân chủ - mà dân chủ - là phải dựa vào lực lượng của quần chúng (có pháp luật, kỷ cương…), đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên, chống tham nhũng ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công. Quần chúng ở đây là toàn thể đảng viên trong tổ chức đảng, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan… và toàn thể nhân dân. Phải động viên quần chúng thực hành dân chủ, làm cho quần chúng hiểu rõ, hăng hái tham gia phòng, chống tham nhũng.
Cần tổ chức và phối hợp giữa các ngành, các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội và nhân dân tạo nên hợp lực mạnh mẽ trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mọi phong trào từ trước đến nay cũng như từ nay về sau đều như vậy, hễ quần chúng tham gia càng đông thì thành công càng mau chóng, càng đầy đủ.
Tham nhũng đang là vấn nạn (quốc nạn) của đất nước, là nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ, của Đảng. Phòng, chống tham nhũng không thể tiến hành ngày một ngày hai, không thể nóng vội, nhưng phải kiên quyết và tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Những nội dung được đề cập trong bài viết này chỉ là một phần nhỏ góp vào việc thực hiện Nghị quyết và Luật phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước./.