Tỉnh Trà Vinh hướng đến khai thác tín chỉ carbon từ 27.390ha dừa

Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích 27.390ha dừa, đứng thứ 2 cả nước. Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh đang xét duyệt triển khai xây bản đồ phân bố không gian, ước lượng carbon, khả năng hấp thụ CO2 trên sinh khối cây dừa, hướng đến tham gia thị trường carbon.
dua-tra-vinh-3-1718851169.jpg
Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre. Toàn tỉnh trồng 27.390ha dừa, với sản lượng hàng năm khoảng 444 triệu quả. (Ảnh minh họa)

Tiềm năng từ bán tín chỉ carbon từ dừa

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ mới đây cho thấy với cây dừa trồng hơn 10 năm, 1ha dừa mỗi năm có khả năng hấp thụ được 70-75 tấn CO2.

Nếu tính mức giá tương tự như tín chỉ carbon rừng (5 USD/tấn CO2) thì ngành hàng dừa của tỉnh Trà Vinh trong tương lai có thể thêm khoản thu lớn từ bán tín chỉ carbon.

Hiện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đang xét duyệt để triển khai nhiệm vụ khoa học-công nghệ về "Xây dựng bản đồ phân bố không gian, ước lượng carbon và khả năng hấp thụ CO2 trên sinh khối cây dừa tỉnh Trà Vinh," từng bước hướng đến tham gia vào thị trường carbon của ngành hàng này.

Trong giai đoạn 2022-2025, quá trình nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng dừa, tỉnh xác định việc thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre. Toàn tỉnh trồng 27.390ha dừa, với sản lượng hàng năm khoảng 444 triệu quả.

Đây là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, được Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị nhiều năm qua.

dua-tra-vinh-1-1718851153.jpg
Người dân xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh) thu hoạch dừa sáp. (Ảnh: TTXVN)

Địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ trồng dừa nhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa; khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ tốt (trong nước và xuất khẩu), xây dựng nhà máy chế biến và phát triển liên kết với người sản xuất, các cơ sở, hợp tác xã thực hiện thu gom và sơ chế.

Tỉnh thúc đẩy liên kết theo 2 hướng: phát triển vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm theo hướng khép kín, lâu dài. Đồng thời cũng khuyến khích liên kết tiêu thụ nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế, không trực tiếp tham gia phát triển và quản lý vùng nguyên liệu.

Ngành chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục đầu tư, thành lập hợp tác xã kiểu mới, kết nối đào tạo nghề, cung cấp nguồn lao động tại chỗ, mặt bằng để tập kết và sơ chế nguyên liệu dừa trái để sản xuất và phát triển các dịch vụ.

Trồng dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ liên kết sản xuất với doanh nghiệp

Cùng với đó, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn ban đầu cho các hợp tác xã xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị sơ chế và xe vận chuyển, cũng như đào tạo các kỹ năng cần thiết cho lao động tại hợp tác xã. Việc trồng dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ liên kết sản xuất với doanh nghiệp đã được tỉnh Trà Vinh thực hiện 8 năm trước.

Từ năm 2016, tỉnh Trà Vinh bắt đầu hình thành vùng dừa hữu cơ đầu tiên theo tiêu chuẩn quốc tế: EU, USDA với 369 ha tại xã Đại Phước, huyện Càng Long do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh có 5.276ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn của EU, USDA, Canada, Trung Quốc; trong đó, huyện Tiểu Cần 2.311ha, Càng Long 2.063ha, Châu Thành 902ha.

Toàn bộ diện tích dừa hữu cơ trên đều được 6 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh liên kết thu mua với giá đề xuất cao hơn từ 5-15% giá dừa thường. Đến nay, tỉnh cũng có 18 mã số vùng trồng nội địa được cấp trên cây dừa với diện tích 1.312,2ha và 1 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 150ha.

Ở nước ta, dừa là một trong những cây công nghiệp chủ lực. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn cầu với diện tích khoảng 188.000 ha, chủ yếu tập trung tại Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long.

dua-tra-vinh-2-1718851242.jpg
Giá trị kinh tế của cây dừa sẽ tiếp tục được nâng lên thông qua việc bán tín chỉ carbon. (Ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, nhận định, khoảng cuối năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dừa có thể đạt 1 tỷ USD. Theo bà Thanh, sản phẩm của ngành dừa rất đa dạng. Từ cây dừa có thể làm thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ… Theo đó, cây dừa tạo ra nguồn thu nhập cho khoảng 390.000 hộ nông dân Việt Nam.

Đáng chú ý, trong bối cảnh Việt Nam cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (net zero) vào năm 2050, giá trị kinh tế của cây dừa sẽ tiếp tục được nâng lên thông qua việc bán tín chỉ carbon. Bởi, 1ha dừa mỗi năm có hấp thụ được 70-75 tấn CO2.

Một chuyên gia tính toán, với diện tích dừa đang có và khả năng hấp thụ carbon của cây trồng này, khi bán tín chỉ carbon theo mức giá tương tự như tín chỉ carbon rừng (5 USD/tấn CO2) thì ngành này có thể thu thêm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm./.

Bình Nguyên