Càng làm càng lỗ?
Người trồng thanh long ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung lâm vào cảnh khó khăn, đặc biệt ở vùng trồng thanh long trái vụ.
Cụ thể, từng có thời điểm, vườn thanh long rộng hơn 1 ha đem lại lợi nhuận cho gia đình ông Võ Văn T (thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, giá thanh long liên tục giảm sâu khiến gia đình ông Tuấn bị thua lỗ nặng. "Chi phí đầu tư khoảng 22 đến 25 triệu, lứa này nếu bán giá cả kiểu này cỡ 2 - 3 triệu là cùng, lỗ mất trắng rồi, giá bây giờ khoảng 2.000 - 3.000 chứ lứa vừa rồi là chặt bỏ gốc", ông Võ Văn T chia sẻ.
Hay ông Nguyễn Thanh S, xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, cho hay, "Bây giờ đầu ra không ổn định, bà con thấy khó khăn rồi nản. Hầu như thời gian gần đây, mọi người có tâm lý bán vườn, không muốn gắn bó nữa. Nếu thời gian kiểu này kéo dài thì bà con càng làm càng lỗ, làm sao có nguồn để đầu tư nữa".
Được biết, không chỉ nhà vườn bị thua lỗ, mà các chủ vựa thu mua thanh long cũng không tránh khỏi bị thiệt hại về kinh tế.
Thực tế hiện nay, hơn 90% thanh long tươi xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do đó, mỗi khi phía Trung Quốc siết chặt cửa khẩu, việc sản xuất của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hàng hóa ứ đọng, giá giảm mạnh.
Tìm kiếm giải pháp
Không chỉ riêng tại Bình Thuận, tình trạng nông dân phá bỏ cây thanh long qua các vụ mùa gặp khó về tiêu thụ tiếp tục diễn ra tại Long An, Tiền Giang.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tính đến cuối năm 2021, diện tích thanh long trong vùng đề án đạt 9.472 ha (chiếm 97,5% diện tích thanh long toàn tỉnh), tăng 4.372 ha so với trước khi thực hiện đề án với sản lượng đạt 236.889 tấn, tăng 127.240 tấn.
Đồng thời, tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình là 13,2%/năm, cao hơn 3,2%/năm so với mục tiêu mà đề án đặt ra khi năng suất bình quân đạt 31,4 tấn/ha, tăng 6,5%. Tuy nhiên, năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá thanh long xuống thấp, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân. Không ít vườn cây thanh long bị đốn bỏ để cải tạo lại vườn hoặc chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.
Trao đổi vơi báo chí, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương vừa tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện đề án Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025. Qua đó, các ngành chuyên môn và các đơn vị thu mua đã tập trung đánh giá về khó khăn trong việc tiêu thụ thanh long hiện nay dẫn đến việc nhiều nhà vườn phá bỏ, thu hẹp diện tích thanh long.
“Trong thời gian tới, để sản xuất bền vững cây thanh long, địa phương sẽ đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất. Nông dân phải tham gia vào hợp tác xã. Nếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì tiêu thụ rất khó khăn”, ông Mẫn chỉ ra.
Tương tự, tại tỉnh Long An, nông dân cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ khiến diện tích trồng đang có chiều hướng giảm. Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Long An thông tin, qua rà soát, thống kê ban đầu, trên địa bàn huyện hiện có hơn 8.900ha trồng thanh long. So với cuối năm 2021 diện tích thanh long ở huyện đã giảm gần 200ha.
“Trước tình hình giá cả thanh long bấp bênh, xuống thấp, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn,... chúng tôi dự báo diện tích trồng thanh long có khả năng tiếp tục giảm”, ông Khải cho biết.
Để phát triển bền vững, địa phương và ngành chức năng của tỉnh Long An đang khuyến khích người trồng thanh long sản xuất theo quy trình sạch, nâng cao chất lượng, giá trị của trái thanh long để tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng với tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đồng thời, các ngành chức năng sẽ tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh.