Tiêu dùng nội địa sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2024

Để đạt mức tăng trưởng GDP ở mức cao trong năm 2024, thì tiêu dùng nội địa vẫn sẽ là động lực quan trọng nhất. Đồng thời, để thúc đẩy sản xuất, phải khắc phục ngay những vấn đề bức xúc, quy định bất hợp lý mà cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh.

Tại kỳ họp cuối năm vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với quyết nghị tăng trưởng GDP ở mức 6% đến 6,5%, mức tăng trưởng cao trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong triển khai các chính sách phát triển năm 2024.

kinh-te-viet-nam-2024-04-1704029026.jpg
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với quyết nghị tăng trưởng GDP ở mức 6% đến 6,5%.

Kinh tế thế giới năm 2024 còn tiềm ẩn rủi ro

Kinh tế thế giới năm 2024 sẽ dần hồi phục sau đại dịch COVID-19 nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, bao gồm: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị kìm hãm bởi ảnh hưởng dai dẳng của đại dịch, xung đột và rủi ro địa chính trị; sự suy giảm của các giải pháp kích cầu và lãi suất vẫn ở mức cao; giá hàng hóa cơ bản biến động khó lường; lạm phát có thể trỗi dậy; tình trạng phân mảng địa kinh tế gia tăng; khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc; thời tiết cực đoan.

Các chuyên gia kinh tế nhận định 5 yếu tố định hình kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục định hình năm 2024 và các năm tiếp theo, đó là: lãi suất; biến động của kinh tế Trung Quốc; phi toàn cầu hóa kinh tế thế giới; chuyển đổi năng lượng; can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế.

Về triển vọng kinh tế thế giới năm 2024, IMF dự báo GDP toàn cầu tăng 2,9%, thấp hơn mức tăng 3% của năm 2023; Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo tăng 2,7%; Viện kinh tế quốc tế Hàn Quốc dự báo tăng 2,8%; Ngân hàng Goldman Sachs dự báo tăng 2,6%.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều thấp hơn năm 2023. Dự báo kinh tế khu vực Eurozone năm 2024 tăng 0,8%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2023.

Các tổ chức tài chính dự báo kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm trong năm 2024; Bank of America dự báo năm 2024 kinh tế Mỹ tăng 0,7%, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với năm 2023. Thu nhập thực ở Mỹ có thể tăng chậm hơn so với tốc độ 4% năm 2023, động lực chi tiêu của kinh tế Mỹ có thể suy giảm do tiền tiết kiệm của người dân Mỹ từ chính phủ đã cạn.

kinh-te-viet-nam-2024-02-1704029128.jpg
Để GDP năm 2024 tăng 6% - 6,5%, dự kiến khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng khoảng 3% - 3,2%.

Goldman Sachs dự báo lạm phát năm 2024 của các nền kinh tế phát triển và mới nổi tiếp tục hạ nhiệt về quanh mức 2%-2,5%. Trong đó lạm phát tại Mỹ tiếp tục giảm, chỉ số CPI tháng 11/2023 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số giá chi tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 11/2023 giảm 0,1% so với tháng 10/2023, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Fed dự báo năm 2023 lạm phát chỉ tăng 2,8%. Tuy lạm phát đã giảm nhưng vẫn còn cao so với mong muốn của Fed; dự báo Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 3/2024. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc Fed sớm hạ lãi suất dẫn đến nguy cơ lạm phát sẽ tăng trở lại.

Tỷ lệ lạm phát hằng năm tháng 11/2023 ở khu vực Eurozone giảm xuống 2,4%, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo một cú sốc năng lượng có thể khiến lạm phát tăng vọt trở lại.

Do căng thẳng địa chính trị dai dẳng, mức nợ cao và tính bấp bênh của các nền kinh tế sẽ tác động tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu, UNCTAD dự báo triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn rất bấp bênh, nhìn chung là bi quan.

Kinh tế Việt Nam cần nhiều giải pháp đột phá

Hoạt động kinh tế xã hội nước ta năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định; bất ổn địa chính trị, thời tiết cực đoan gây hệ luỵ nghiêm trọng đến an ninh năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất; tiêu dùng suy giảm.

Dự báo năm 2024 tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại lớn, quan trọng của nước ta suy giảm so với năm 2023.

Một số tổ chức tài chính, thương mại quốc tế đánh giá chính sách tài khoá và tiền tệ của Việt Nam hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu công nghệ cao đứng thứ tư thế giới. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, năm 2024 tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào "cỗ xe tứ mã" đó là: Đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan toả tới đầu tư ngoài nhà nước; thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Cùng với bốn động lực kéo cỗ xe kinh tế Việt Nam về phía trước, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của một số ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo là những động lực mới, trở thành trụ cột cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế trong thời gian tới.

kinh-te-viet-nam-2024-03-1704029166.jpg
Để đạt mức tăng trưởng GDP ở mức cao trong năm 2024, thì tiêu dùng nội địa vẫn sẽ là động lực quan trọng nhất.

Với mục tiêu tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tốc độ tăng GDP từ 6,0% - 6,5%.

Để GDP năm 2024 tăng 6% - 6,5%, dự kiến khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng khoảng 3% - 3,2%, thấp hơn 0,63 - 0,8 điểm phần trăm so với năm 2023; khu vực Công nghiệp và Xây dựng tăng 6,2%- 6,9% cao hơn 2,46 - 3,16 điểm phần trăm; khu vực Dịch vụ tăng 6,7% - 7,1% cao hơn 0,28 điểm phần trăm. Đây là các mức tăng không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã tăng rất cao trong năm 2023.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, thương mại toàn cầu bấp bênh và bi quan tác động rất mạnh tới sự phục hồi và tăng trưởng cao của khu vực công nghiệp. Tổng cầu tiêu dùng trong nước còn yếu khó thúc đẩy khu vực dịch vụ tăng cao. Tăng trưởng từ đầu tư công chỉ bù đắp được một phần cho các khu vực khác của nền kinh tế.

Theo đánh giá của chuyên gia, để đạt mức tăng trưởng GDP ở mức cao trong năm 2024, thì cầu trong nước, tức là tiêu dùng nội địa vẫn sẽ là động lực quan trọng nhất. Đồng thời, để thúc đẩy sản xuất, phải khắc phục ngay những vấn đề bức xúc, quy định bất hợp lý mà cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh.

Trong đó, không chỉ cắt giảm quy định về thủ tục hành chính mà phải cắt bỏ các quy định có nội dung bất hợp lý, chồng chéo mâu thuẫn nhau, để doanh nghiệp giảm tốn kém về thời gian và tiền bạc làm thủ tục trong kinh doanh.

Về giải pháp đạt tăng trưởng cao cho năm 2024, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: "Nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng vẫn đối mặt với khó khăn nhiều hơn là thuận lợi. Để đạt được tăng trưởng thì điều đầu tiên phải ổn định kinh tế vĩ mô, hai là cải thiện môi trường kinh doanh, ba là phải tận dụng được cải cách mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Tận dụng về bên ngoài thì tận dụng lợi thế khi quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc đã được nâng cấp, thu hút đầu tư sẽ nhiều hơn vào Việt Nam"./.

Trọng Đạt