Tiết kiệm năng lượng để phát triển bền vững tại các làng nghề

Việc tiết kiệm, sản xuất sạch hơn và sử dụng nguồn năng lượng thay thế không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại nguồn, đồng thời giúp cho các cơ sở sản xuất ở làng nghề cắt giảm được chi phí sản xuất, chi phí xử lý môi trường, hạ giá thành sản phẩm.
5520230821123432-1692974634.jpg
Sử dụng năng lượng tiết kiệm để phát triển bền vững làng nghề Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2019, cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia.

Trong thời gian qua, các cơ sở công nghiệp nông thôn tại làng nghề đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như thu hút nguồn lực trong dân, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu của xã hội và xuất khẩu; giải quyết lao động; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa các vùng, miền; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, do đặc thù mô hình sản xuất phân tán, manh mún, nhà ở kết hợp sản xuất còn phổ biến trong các làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống - một bài toàn khó cho sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Trong khi đó, việc tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng thay không chỉ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại nguồn thông qua việc sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời giúp cho các cơ sở sản xuất ở làng nghề cắt giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất, giảm bớt chi phí xử lý môi trường đảm bảo cho làng nghề phát triển bền vững.

Tại Hội thảo “Tư vấn nâng cao nhận thức tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp nông thôn”, ông Lại Đức Tuấn, Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững - Bộ Công Thương cho biết: Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác hết; Tiềm năng, trữ lượng dầu và khí đốt sẽ sớm suy giảm, năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn và chung ta đã phải nhập than cho sản xuất điện.

Do đó, ông Tuấn nhấn mạnh, việc thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp có tính kinh tế cao, cần được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của Việt Nam. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chìa khóa cho bài toán phát triển bền vững của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề Việt Nam. 

Thông qua áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện với môi trường, các cơ sở sản xuất công nghiệp trong các làng nghề có thể sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng trong hoạt động sản xuất, giảm mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển dịch thị trường sang phân khúc sản phẩm có chất lượng cao hơn, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời giảm các tác động có hại đối với môi trường - ông Lại Đức Tuấn cho biết thêm.

Hương Lan