Thu nhập người lao động tại Mỹ đang không theo kịp lạm phát?

Nhiều người Mỹ làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu vì lạm phát leo thang, giá cả tăng vọt. Buộc nhiều người ở nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào thẻ tín dụng để trang trải.

Theo CCNB, thu nhập bình quân theo giờ của người Mỹ đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá cả còn leo thang với tốc độ nhanh hơn, nhất là giá nhiên liệu và hàng tạp hóa.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 của Mỹ đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm. Trong đó, giá năng lượng đã tăng khoảng 41,6%, giá thực phẩm và ngũ cốc cùng tăng 12,2%.

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - chỉ số được Bộ Thương mại Mỹ công bố - cũng tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982.

PCE đo lường sự thay đổi của giá cả hàng hóa và dịch vụ trong chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình, thay vì doanh nghiệp hoặc những thành phần kinh tế khác.

Qua đó, theo một khảo sát của công ty dịch vụ tài chính LendingClub, tính đến tháng 6/2022, có đến 61% người Mỹ, tương đương khoảng 157 triệu người trưởng thành, đang rơi vào tình cảnh làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Con số này đã tăng mạnh so với mức 58% của tháng liền trước.

Báo cáo của LendingClub cho hay, ngay cả những người có thu nhập cao cũng đang chật vật trang trải chi phí hàng ngày bởi lạm phát leo thang, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng vọt. Đối với những người lao động kiếm hơn 200.000 USD/năm, 36% cho biết đang làm đến đâu tiêu đấy, và con số này cũng tăng mạnh so với tháng trước đó.

lamphat1-1659492413.jpg
Nhiều người dân đang chật vật trang trải chi phí hàng ngày bởi lạm phát leo thang. Ảnh minh họa

Một cuộc khảo sát khác từ công ty tư vấn Willis Towers Watson cho thấy, khoảng 36% trong số những người kiếm được 100.000 USD/năm trở lên cho biết tiền lương của họ chỉ vừa đủ sống, không thể để ra được đồng nào.

Các số liệu chỉ ra người Mỹ đang phải chi trả nhiều hơn cho mức sống không đổi của mình. Điều đó khiến họ ngày càng khó khăn hơn trong việc trang trải cuộc sống. Do đó, nhiều người phải tiêu cả vào tiền tiết kiệm, thậm chí rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất.

Theo báo cáo của LendingClub, trong số tất cả những người tiêu dùng, khoản tiết kiệm trung bình đã giảm xuống còn 10.757 USD trong tháng 6 từ mức 11.274 USD vào tháng 5. 

Gần một phần tư số hộ gia đình Mỹ không có khoản tiết kiệm khẩn cấp. Do đó, người dân có xu hướng phụ thuộc vào thẻ tín dụng nhiều hơn. Dư nợ thẻ tín dụng hàng tháng của người tiêu dùng Mỹ ngày càng cao.

Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang (FED) chi nhánh New York, số dư thẻ tín dụng của người Mỹ đã tăng 13% trong quý II, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong vòng hơn 20 năm.

Trong quý II, 233 triệu tài khoản thẻ tín dụng được mở mới, nhiều nhất kể từ năm 2008.

Hôm 27/7, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - đã tăng lãi suất cho vay cơ bản lên mức 2,25-2,5%. Đây là lần tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ 2 liên tiếp và lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay.

Theo một báo cáo của trang web dịch vụ tài chính Personal Capital, trong bối cảnh triển vọng kinh tế suy yếu và lãi suất tăng cao, 56% người tiêu dùng Mỹ cho biết mức sống của họ đang giảm sút. Khoảng 69% cho rằng thu nhập của họ không theo kịp lạm phát. Theo một cuộc khảo sát khác với hơn 2.000 người trưởng thành, không đến 50% người cảm thấy "an toàn về tài chính".

Theo báo cáo, người Mỹ cho rằng họ cần kiếm 107.800 USD/năm để cảm thấy "an toàn tài chính", cao gấp đôi mức trung bình quốc gia.

Phương Ly (t/h)