Thúc đẩy hợp tác kinh tế với các doanh nghiệp Hoa Kỳ

Việt Nam rất coi trọng quan hệ giữa các quốc gia nói chung nhất là quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng. Đặc biệt, năm 2022, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số lĩnh vực và hy vọng nhận được sự hợp tác từ phía các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn doanh nghiệp thuộc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại trụ sở Bộ Công Thương. 

Đây là dịp để Bộ Công Thương thông báo cho hơn 40 doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam các trọng tâm, ưu tiên mà Bộ Công Thương tập trung thực hiện trong năm 2022 và bàn bạc, giải đáp các thắc mắc, tiếp nhận các đóng góp từ phía doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương dự kiến triển khai hiệu quả, bảo đảm cung ứng các nguyên vật liệu, đáp ứng nhu cầu hồi phục phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc với các dự án công nghiệp quan trọng. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ tối đa các nhà máy và khôi phục sản xuất để tạo chuỗi cung ứng và giữ vững các đơn hàng giữa Việt Nam và doanh nghiệp các nước; trong đó, có Hoa Kỳ. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các dự án đầu tư công lớn, nhất là các dự án về năng lượng, hạ tầng, phát triển liên quan đến ngành công thương.

Việc này nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế cũng như phát triển thị trường cho một số ngành sản xuất chủ lực như thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, ô tô.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh thêm rằng: Trước bối cảnh rất khó khăn, bất ổn trên thế giới, nhất là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine mới nổ ra gần đây đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, sản xuất và tiêu dùng toàn cầu. Việc giá dầu thế giới tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước. 

Việt Nam phải nhập khẩu để cung cấp cho các doanh nghiệp cũng như là nhu cầu của người dân. Những biến động như vậy ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân. Chính phủ Việt Nam hiện hết sức quan tâm và điều hành sát sao từng ngày một.

Theo Thứ trưởng, trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển, sản xuất, kinh doanh. 

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. 

Đặc biệt, Bộ Công Thương đặt mục tiêu trong năm 2022 và các năm tới sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công lớn, đặc biệt là các dự án về năng lượng, hạ tầng phát triển ngành nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế cũng như phát triển thị trường cho một số ngành sản xuất chủ lực như thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, ô tô...

Trong dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, khung chính sách nhằm thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến, cơ khí, ô tô, dệt may, da – giày, điện – điện tử, chế biến thực phẩm...

congnghiep-wkxq-1646814222.jpeg
Thúc đẩy hợp tác kinh tế với các doanh nghiệp Hoa Kỳ

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chú trọng triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết để vận dụng và phát huy hiệu quả ưu đãi cũng như tận dụng tối đa các cơ hội, hạn chế thách thức từ những Hiệp định này.

Một trong những nhiệm vụ ưu tiên khác của Bộ Công Thương chính là tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản; tổ chức kết nối các hoạt động kết nối cấp vùng miền, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dự trên những nền tảng mới.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thông tin dự báo tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch COVID-19 và phát triển sản xuất kinh doanh, USABC luôn hợp tác chặt chẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng nối lại các hoạt động bình thường.

 “Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam là những đối tác đồng hành, hợp tác cùng với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các giải pháp ứng phó và phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19”, ông Ted Osius cho biết.

Hiện nay, USABC cũng đang hỗ trợ các cơ quan chức năng của Việt Nam trong công tác triển khai thực thi các FTA mà Việt Nam đã tham gia như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 

“Chúng tôi mong muốn đồng hành và hỗ trợ Việt Nam triển khai các hiệp định thương mại tự do. Các doanh nghiệp của chúng tôi cũng ủng hộ mạnh mẽ phát triển bền vững. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ hỗ trợ và triển khai hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, quy định mở rộng sản xuất quản lí giá trị thu được (EVM)...”. Ông Ted Osius nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam chia sẻ đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh trong năm 2022; đồng thời thể hiện sự quan tâm tới các lĩnh vực như: logistics, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng sạch, chuyển đổi số, lĩnh vực kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững...

Đại diện Công ty TNHH Ford Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng công suất sản xuất và tuyển thêm lao động trong năm nay. Hiện tại, công ty cũng đang xin cấp phép để có thể triển khai một hình thức kinh doanh hoàn toàn mới đối với lĩnh vực ô tô, đó là trang thương mại điện tử nhằm hỗ trợ tối đa người tiêu dùng có thể tham khảo, mua hàng online. 

Khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng, đại diện Tập đoàn ExxonMobil tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết hiện doanh nghiệp này đang triển khai một số dự án điện – khí tại Việt Nam. 

Đặc biệt, ExxonMobil cũng đang phát triển và ứng dụng các công nghệ, giải pháp tiên tiến nhằm hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam, góp phần thực hiện cam kết của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo đại diện Công ty TNHH Nike Việt Nam, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến nay chuỗi cung ứng của hãng tại khu vực miền Nam đã phục hồi hoàn toàn và chuỗi cung ứng tại miền Bắc cũng đang nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến hoạt động triển khai các dự án điện, phát triển năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thông quan hàng hóa…  

Ngay tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đại diện Vụ, Cục chức năng đã trả lời một số kiến nghị của các doanh nghiệp thành viên USABC. 

Đồng thời, Thứ trưởng cho biết sẽ giao các Vụ, Cục chức năng tiếp tục xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương; còn đối với những vấn đề khác, Bộ Công Thương sẽ phản ánh với các cơ quan chức năng để xem xét trả lời, giải quyết./.