Đây là hội nghị đầu tiên trong năm 2023 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau hơn 2 năm đầy khó khăn bởi dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 về đích với con số kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 371,8 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt hơn 276,7 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%. Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,6 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt gần 125,8 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 234,8 tỷ USD, tăng 7,5%. Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động Xúc tiến thương mại (XTTM) với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về XTTM được Bộ Công Thương phê duyệt hơn 100 đề án XTTM triển khai tại Việt Nam và các nước trên thế giới, hỗ trợ trên 10.000 lượt tham gia trực tiếp các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện XTTM và hàng triệu doanh nghiệp hưởng lợi từ các chương các chương trình cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, các sự kiện XTTM. Đặc biệt, những hoạt động xúc tiến xuất khẩu này không thể thành công nếu không có sự phối hợp, đóng góp công sức, trí tuệ một cách tâm huyết và trách nhiệm của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Nhằm tiếp nối những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Cục XTTM sẽ tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện các hoạt động XTTM, chủ động và sáng tạo hơn nữa trong công tác XTTM. Cục sẽ tập trung vào 5 định hướng. Thứ nhất, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động XTTM đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam. Song song, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động XTTM khơi thông các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai hoạt động XTTM được như các thị trường khu vực như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ.
Thứ hai, phối hợp với các cơ quan thương vụ và các đơn vị liên quan trong Bộ nhanh chóng xây dựng các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực XTTM, xúc tiến xuất khẩu "xanh" để đáp ứng yêu cầu, thích nghi với xu hướng mới của các thị trường nhập khẩu trên toàn cầu vì thương mại xanh, tăng trưởng xanh ngày nay không còn là sự lựa chọn nữa mà đã trở thành xu thế tất yếu trên toàn thế giới.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác XTTM. Đặc biệt, tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác cung cấp thông tin, tư vấn thị trường xuất khẩu và kết nối thị trường cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động nâng cao năng lực XTTM gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động XTTM thông qua việc thúc đẩy ký kết và triển khai các Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực XTTM và đầu tư ngành Công Thương với các cơ quan, tổ chức XTTM đối tác quốc tế.
Bên cạnh đó, trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã nêu dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn, xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài, hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm, lạm phát tiếp tục ở mức cao, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước phát huy tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, góp phần vào các hoạt động của Bộ Công Thương đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cùng thực hiện theo chủ đề điều hành của Chính phủ đã xác định cho năm 2023, đó là: "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".