Cụ thể, Báo VTV News ngày 20/5/2023 có thông tin về "Hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng. Bên cạnh những giải pháp tình thế, những chính sách dài hạn là rất cần thiết trong việc hỗ trợ người lao động".
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất chính sách trước mắt và lâu dài để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng.
Ở nhiều địa phương, cắt giảm lao động là thực trạng của hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày… Nguyên nhân là do đơn hàng sụt giảm mạnh.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình hình thiếu đơn hàng dự báo sẽ còn tiếp diễn nên số lượng người lao động bị cắt giảm công việc có thể chưa dừng lại tại đây.
Đối với người lao động, cắt giảm công việc đồng nghĩa với khó khăn chồng chất khó khăn. Nhiều người chỉ cố gắng "cầm cự" với đồng lương ít ỏi. Còn số bị ngừng việc thì phải tìm một công việc mới, có thể là xe ôm, phụ hồ...
Theo thông tin báo chí đăng tải, thống kê từ tháng 9/2022- 3/2023 cho thấy, đã có 560.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm đơn hàng. Trong đó, có đến 55.000 lao động ra khỏi khu vực lao động (chấm dứt hợp đồng).
Để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động một cách bền vững, lâu dài theo bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính quyền địa phương cần có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như giãn nợ thuế, ưu đãi thuế... Bên cạnh đó là các chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp cũng như người lao động.