Quảng cáo #128

Những nền móng để ngành nông nghiệp bứt phá, kỳ vọng đạt tổng kim ngạch 60 - 61 tỷ USD trong năm 2024

Qua 11 tháng đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nếu tháng 12 xuất khẩu diễn biến thuận lợi, tổng kim ngạch năm 2024 của ngành nông nghiệp có thể đạt 60 - 61 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, sau 11 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 57 tỷ USD, dự kiến cả năm vượt mốc 60 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay.

xuat-khau-nong-san-2-1733806264.jpg
Sau 11 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 57 tỷ USD, dự kiến cả năm vượt mốc 60 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay.(Ảnh minh họa)

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 11 tháng đầu năm đã vượt chỉ tiêu 54-55 tỷ USD do Thủ tướng giao. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết nếu tháng 12 tiếp tục diễn biến thuận lợi, kim ngạch cả năm có thể đạt 60-61 tỷ USD. Đây là một bước tiến lớn, khẳng định vị thế quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế.

Trong 11 tháng qua, cán cân thương mại của ngành đạt thặng dư gần 16,5 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước - con số kỷ lục. Các lĩnh vực chủ lực đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh: nông sản đạt gần 30 tỷ USD (tăng hơn 23%), thủy sản 9,2 tỷ USD (tăng 11,8%), lâm sản gần 15,6 tỷ USD (tăng 19,6%) và sản phẩm chăn nuôi hơn 475 triệu USD (tăng 4,4%).

Đặc biệt, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đóng góp mức thặng dư hơn 12,1 tỷ USD, trong khi rau quả xuất siêu 4,56 tỷ USD nhờ việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

"Giá trị thặng dư thương mại của ngành tăng mạnh chủ yếu nhờ vào thặng dư thương mại của gỗ và sản phẩm gỗ lên tới 12,11 tỷ USD. Việc đẩy mạnh ký kết các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc giúp ngành hàng rau quả xuất siêu 4,56 tỷ USD sau 11 tháng.

Hằng năm, thặng dư thương mại của nông sản thường chiếm 65-72% toàn ngành kinh tế. Điều này chứng tỏ được lợi thế tiềm năng của nông nghiệp đã và đang được khơi thông. Đây cũng là nền tảng để năm 2025 chúng ta có thể về đích với quy mô, tỷ suất xuất khẩu lớn hơn", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.

xuat-khau-nong-san-3-1733806306.jpg
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đóng góp mức thặng dư hơn 12,1 tỷ USD, trong khi rau quả xuất siêu 4,56 tỷ USD nhờ việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.(Ảnh minh họa)

Cũng theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng NLTS của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. 2 thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,7% và 11,3%. Thị phần của 2 khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 1,8% và 1,4%.

So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 sang khu vực châu Á tăng 16,1%; châu Mỹ tăng 23,6%; châu Âu tăng 30,4%; châu Phi tăng 4,4%; và châu Đại Dương tăng 13,9%.

Về thị trường chi tiết, Hoa Kỳ với thị phần 21,7%, Trung Quốc với thị phần 21,6%, và Nhật Bản với thị phần 6,6%, là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam. Tương đương với đó, so với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 24,6%, Trung Quốc tăng 11%, và Nhật Bản tăng 5,5%.

Để có được những kết quả trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và cụ thể là Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, trong năm 2023, ngành nông nghiệp đã có những giải pháp kịp thời, hiệu quả để khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, một lý do nữa để ngành nông nghiệp có thể đạt được các con số kỷ lục năm 2024 là nhờ vào quá trình tái cơ cấu trong nhiều năm qua, đi cùng với đó là ứng dụng những tiến bộ về khoa học, công nghệ và hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Bên cạnh đó, thành tựu xuất khẩu nói trên có được cũng nhờ vào nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa thị trường của các đơn vị trong ngành nông nghiệp.

xuat-khau-nong-san-1-1733806391.jpg
Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng NLTS của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. (Ảnh minh họa)

Để duy trì được nhịp độ tăng trưởng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành, nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với thị trường. "Chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, xanh" - ông Phùng Đức Tiến nói.

Bộ NN&PTNT tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung vào các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, trong đó, tập trung phát triển mạnh các lĩnh vực còn tiềm năng như chăn nuôi, chế biến sâu.

Ngoài những thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, ngành Nông nghiệp xác định sẽ đẩy mạnh xúc tiến đưa sản phẩm nông sản vào thị trường Halal. Hiện, một số doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi như Deheus, Hùng Nhơn đang rà soát lại khâu chế biến, an toàn thực phẩm, vùng nguyên liệu để trong tương lai không xa nữa thịt gà chế biến của Việt Nam sẽ tiến vào thị trường Halal.

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương, các đơn vị trực thuộc thuộc Bộ NN&PTNT, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý tháo gỡ vướng mắc, duy trì phát triển thị trường; tập trung tổ chức lại chuỗi sản xuất theo ngành hàng cụ thể gắn với các vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Theo các chuyên gia, nhìn lại năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ vượt qua khó khăn mà còn khẳng định vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Với những định hướng đúng đắn, ngành này sẽ tiếp tục phát triển bền vững và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của Việt Nam./.

Bình Nguyên