Sáng nay (31/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề về nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan; về phía lãnh đạo thành phố Đà Năng có Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, cùng lãnh đạo các bộ ngành cơ quan trung ương và địa phương. Hội nghị được kết nối đến 63 tỉnh thành phố trên cả nước.
Dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2020
Tại hội nghị các đại biểu đã tham luận về tình hình, kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới.
Thời gian qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 Quyết định, 05 Chỉ thị chỉ đạo, điều hành để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. 63/63 địa phương đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyển có nhiều chuyển biển tích cực: Có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương; Có sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể như thanh niên, sinh viên, công đoàn, nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh...; Có sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8/2024.
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2022, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp hạng 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa được triển khai tích cực; Hạ tầng số, nền tảng số, thiết bị, công nghệ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp được quan tâm đầu tư; Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nổi, chia sẻ; một số bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đổi mới, thực hiện các mô hình, giải pháp hữu hiệu trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp như các bộ: Công an, Tài chính, Công Thương; các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cà Mau, Tây Ninh...; Tích cực triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại sẵn sàng thực hiện Hải quan số.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giả cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao Bộ TTTT, VPCP, UBND thành phố Đà Nẵng và các cơ quan liên quan đã phối hợp chuẩn bị và tổ chức chu đáo Hội nghị này.
Thủ tướng đã phân tích kết quả đạt được đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong đó nêu rõ, việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách chưa kịp thời; Cải cách TTHC vẫn còn chậm , thủ tục còn rườm rà; Triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập; kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu còn chậm, còn tình trạng cát cứ thông tin; Nhân lực số, hạ tầng số chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đột phá; Tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh, trong khi đó 33/135 hệ thống thông tin chưa đáp ứng tiêu chí nào về an toàn, an ninh mạng theo hướng dẫn của Bộ TTTT; Công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trọng xã hội nhằm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và triển khai Đề án 06 nhiều lúc, nhiều nơi chưa được coi trọng.
Thủ tướng đã chỉ rõ nguyên nhân hạn chế, yếu kém gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chủ yếu, trong đó: Chưa thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện; phân công nhiệm vụ chưa rõ việc, rõ trách nhiệm; thiếu công cụ theo dõi, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các chỉ đạo, dẫn đến kết quả hiệu quả còn thấp; Kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm; sự lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Về bài học kinh nghiệm Thủ tướng chỉ rõ, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; người đứng đầu phải dành thời gian công sức trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ, chức thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; Đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính.
Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; lấy chất lượng phục vụ, mức độ sử dụng và hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá kết quả thực hiện; Phải luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công khai, minh bạch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân.
Thực hiện 5 đẩy mạnh và tăng cường về dịch vụ công trực tuyến
Về quan điểm, định hướng thời gian tới Thủ tướng chỉ rõ, phải bảo đảm tuân thủ theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước, Chính phủ vì 1 mục tiêu chung: tối thiểu chi phí, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
"Tập trung vào một mục tiêu là cắt giảm tối đa chi phí, thời gian thực hiện, tạo điều kiện tốt nhất, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện tốt nhất để họ thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Triển khai hiệu quả 2 trụ cột, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; Xây dựng và củng cố 3 trọng tâm là: pháp lý hóa, số hóa, tự động hóa, hướng đến 4 không: không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không yêu cầu, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thực hiện 5 đẩy mạnh và tăng cường: Tăng cường phân cấp phân quyền yền đi đôi với phân bố nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và tăng cường giám sát, kiểm tra; Tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; Tăng cường đầu tư hạ tầng số: Tăng cường đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đây lùi tiêu cực; Tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, Thủ tướng nói.
Để thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, chúng ta phải có đột phá, các bộ, ngành, địa phương phải chuyển đổi mạnh mẽ phương thức phục vụ nhân dân từ “bị động” sang “chủ động” dựa trên dữ liệu. Thủ tướng yêu cầu, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó: Rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định và VBQPPL và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn trên tinh thần cái gì thực tiễn đặt ra, đòi hỏi, yêu cầu, đã chín, đã rõ thì phải sửa đổi, bổ sung, thiết kế thành quy định để tạo hành lang pháp lý trong trong triển khai, thực hiện nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn", thúc đẩy, khơi thông mọi nguồn lực, phục vụ cho phát triển KTXH;
Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh, TTHC; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho; tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch để cán bộ không mắc phải những sai phạm; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ (cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% TTHC và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ TTHC nội bộ) và chuyển đổi mạnh mẽ sang xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.
Khẩn trương phân quyền cho các địa phương thực hiện các TTHC theo các Nghị quyết, Kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Sớm trình ban hành đầy đủ các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch hành điện tử.
Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về TTHC liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh theo hướng sử dụng hồ sơ hành chính dưới dạng dữ liệu số. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, rà soát, đánh giả lại, đổi mới cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với người dùng; Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, thiết kế, cung cấp các dịch vụ công trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa tối đa TTHC, tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử. Thực hiện thành công các nhiệm vụ đến năm 2025: 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Hoàn thành cung cấp toàn bộ 53/53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Sớm có nghiên cứu đánh giá, mở rộng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích để hoàn thiện hệ sinh thải trên môi trường điện tử cho người dân, doanh nghiệp; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp, trở thành các điểm số hóa, cung cấp các dịch vụ công phỉ địa giới hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, nhất là các đối tượng yếu thế; Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan nhà nước; Tăng cường đàm phán với các đối tác thương mại của Việt Nam để công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn kèm theo việc trao đổi thông tin, công nhận lẫn nhau đối với dữ liệu chứng từ thương mại, chứng từ hành chính điện tử.
Tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số quốc gia thông suốt, hiệu quả, trong đó: Tập trung xây dựng Trung tâm dữ iệu quốc gia theo đúng Nghị quyết 175 của Chính phủ; Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, tỉnh, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuyển đổi số; Khẩn trương xóa các điểm lõm sóng, lõm điện; Tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị, công nghệ đáp ứng tốt nhu cầu công tác; Tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông; Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ TTTT khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Đề án “Tuyên truyền, phổ biến về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hưởng đến năm 2030" trong tháng 9/2024./.
Thủ tướng chỉ rõ 1 mục tiêu, 2 trụ cột, 3 đột phá, 4 không và 5 tăng cường trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.
1 mục tiêu chung là cắt giảm chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
2 trụ cột gồm: kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và tạo thực hiện thuận lợi dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
3 đột phá là pháp lý hóa; số hóa; tự động hóa.
"4 không" là: không giấy tờ; không tiền mặt; không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định; không để ai bị bỏ lại phía sau.
"5 tăng cường" gồm: (1) Tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và tăng cường giám sát, kiểm tra (2) Tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; (3) Tăng cường đầu tư hạ tầng số; (4) Tăng cường đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; (5) Tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.