Bình Phước được đánh giá là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, có tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ nhưng còn khó khăn về hạ tầng giao thông kết nối với khu vực Đông Nam Bộ. "Hiện chưa có tuyến giao thông kết nối trực tiếp giữa hai tỉnh nên việc nghiên cứu xây dựng tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai là cần thiết", Bộ GTVT nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giáp ranh giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai là khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận, với chiều dài ranh giới hai tỉnh khoảng 160 km.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương liên quan sớm triển khai đầu tư các tuyến đường kết nối để bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải vùng Đông Nam Bộ và kết nối với Vùng Tây Nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai có điểm đầu tại TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đoạn đầu tuyến đi trùng Đường tỉnh 753 khoảng 15km, đoạn cuối tuyến được nghiên cứu theo hai hướng tuyến.
Phương án 1: Do UBND tỉnh Bình Phước đề xuất có hướng tuyến đi qua cầu Mã Đà, sang địa phận tỉnh Đồng Nai. Sau đó, tiếp tục đi theo các tuyến đường địa phương và kết nối với đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Tổng chiều dài khoảng 76 km, trong đó có 31 km đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Bộ GTVT nhận định, phương án này tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học, không phù hợp với Luật Đa dạng sinh học và các điều ước quốc tế. Mặt khác cũng phù hợp với các quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Di sản văn hoá, Luật Bảo vệ môi trường và chủ trương của Đảng, Chính phủ.
Phương án 2: Do Bộ GTVT nghiên cứu có hướng tuyến kết nối với đường Đồng Phú - Bình Dương (tỉnh Bình Phước đang đầu tư xây dựng) và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương đang đầu tư xây dựng). Sau đó, tuyến đi theo 15,5 km xây dựng mới để kết nối với đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài khoảng 71 km.
Bộ GTVT đánh giá, phương án do Bộ nghiên cứu có hướng tuyến kết nối từ TP. Đồng Xoài đến đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh rất thuận tiện, chiều dài ngắn, kinh phí đầu tư thấp và tận dụng được các tuyến đường địa phương đã và đang được đầu tư; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Về lựa chọn phương án, theo Bộ GTVT, tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương. Tuy nhiên, do tính chất kết nối liên vùng, Bộ Giao thông vận tải đã hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với Đồng Nai, Bình Phước nhiều lần kiểm tra thực địa, tổ chức họp bàn về phương án đầu tư với sự tham gia của các bộ, UNESCO, các địa phương liên quan. Trong đó, kiến nghị hướng tuyến không đi qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (không đi qua cầu Mã Đà). Đề xuất này đã được nhiều bộ, ngành, UNESCO và các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai cơ bản thống nhất.
Như vậy, để sớm hình thành tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt chấp thuận phương án kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh không đi qua cầu Mã Đà.
Đồng thời, Bộ GTVT giao UBND các tỉnh Bình Phước, Bình Dương cân đối nguồn vốn của địa phương và quyết định đầu tư các tuyến đường trên địa bàn theo thẩm quyền.
Cùng với đó, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh để tạo điều kiện kết nối thuận lợi các tỉnh Bình Phước, Bình Dương với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về lâu dài, Bộ GTVT kiến nghị giao UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các tác động để lựa chọn hướng tuyến chi tiết phương án kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai, bao gồm cả phương án qua cầu Mã Đà trong quá trình lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai quy hoạch mạng lưới đồng bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở nghiên cứu, triển khai đầu tư./.