Thứ trưởng Bộ Công Thương: Sẽ đánh giá tác động để có phương án bảo vệ hàng nội địa

Trước lo ngại về sức ép hàng hóa giá siêu rẻ từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam có thể đe dọa nền sản xuất trong nước, lãnh đạo Bộ Công thương nói đều phải có đánh giá tác động để có phương án bảo vệ hàng nội địa.
z5962867937167-9a53529f844aed4b127b8e828051f60f-1729758087.jpg
Họp báo thường kỳ quý 3 Bộ Công Thương. Ảnh Hương Lan

Đầu tháng 10 năm nay, Temu - phiên bản quốc tế của Pinduoduo, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc - đã xuất hiện tại Việt Nam. Ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu tuy mới ra đời cách đây 2 năm nhưng đã xâm chiếm các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia… và đang tiến vào thị trường Việt Nam một cách rầm rộ.

Không chỉ thu hút bởi giá sản phẩm rẻ, miễn phí giao hàng, Temu còn có các chính sách thu hút người dùng Việt Nam, đặc biệt chính sách tiếp thị liên kết của Temu đang rất hấp dẫn. Theo đó, nếu giới thiệu người khác tải ứng dụng Temu và hoàn thành đơn hàng đầu tiên sau 30 ngày, người dùng sẽ được nhận ngay 150.000 đồng. Ngoài ra, các đơn hàng mua trong 30 ngày đó cũng được ưu đãi từ 10-30%...

Tại họp báo thường kỳ quý 3 chiều 23/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời câu hỏi liên quan tới nguy cơ hàng hóa giá siêu rẻ tràn vào Việt Nam qua một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt là sàn Temu.

Ông Tân cho biết, theo quy định của Nghị định 85, sàn giao dịch thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.

Đối với sàn Temu, hiện Indonesia đã cấm sàn này hoạt động. Tuy nhiên ở Việt Nam, Temu hiện đang thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động. Bộ khẳng định sẽ triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái.

temu-1833-1729758060.webp
Temu gây lo ngại về sức ép hàng hóa giá siêu rẻ từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam có thể đe dọa nền sản xuất trong nước. (Ảnh minh họa)

Về giá cả, ông Tân cho biết cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ, nhưng phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, vì chưa thể khẳng định giá đó thật hay không. Trước hết phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường. Bộ  sẽ có thông tin về kết quả và có giải pháp để kiểm soát phù hợp.

Trước những lo ngại về sức ép hàng hóa giá siêu rẻ từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam có thể đe dọa nền sản xuất trong nước, lãnh đạo Bộ Công thương nói đều phải có đánh giá tác động để có phương án bảo vệ hàng nội địa. Riêng kênh thương mại điện tử hiện đang nổi lên, có ưu thế hơn, cần phải có giải pháp đặc thù hơn xử lý trên môi trường điện tử.

Cùng với mức giá thì các vấn đề như mẫu mã, quy cách, thương hiệu, chất lượng cũng cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trên cùng một phân khúc. Từ đó xác định hàng hóa đó có gian lận, có phải là hàng giả, hàng nhái hay phá giá thị trường để có biện pháp quản lý.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong trường hợp phát hiện hàng giả, hàng nhái cần phải ngăn chặn không cho lưu thông; nếu là hàng phá giá, phải xử lý theo quy định phá giá thị trường. Còn nếu doanh nghiệp làm thật, tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh, thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường.

Về quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, Bộ Công Thương cho biết đã có đề án chung. Cùng đó năng cao năng lực cạnh tranh cho sản xuất trong nước, rà soát các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa, cũng như nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước./.

Đông Nghi