Thủ phủ vải thiều cảnh báo những tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu thông suốt

Cuống ngắn đúng quy định, sạch lá, không cho mượn mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói là những gì được ghi trong văn bản của UBND huyện Lục Ngạn lưu ý người dân cũng như các xã, thị trấn.
luc-ngan-1654871437.jpg
Vải thiều Lục Ngạn đang vào chính vụ thu hoạch

Vải thiều tại thủ phủ vải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang vào chính vụ thu hoạch. Một trong những thị trường xuất khẩu chính vải thiều của Lục Ngạn là Trung Quốc với những quy định rất nghiêm ngặt, bởi đất nước đông dân nhất thế giới vẫn đang áp dụng chính sách “Zero Covid”.

Chính vì thế, ngày 8/6, UBND huyện Lục Ngạn có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói trên địa bàn, trong đó yêu cầu: Các xã, thị trấn không cho mượn mã vùng trồng, cơ sở đóng gói; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong văn bản của huyện Lục Ngạn có lưu ý bà con khi thu hoạch, bó vải cần được xử lý hoàn toàn sạch lá và chiều dài cuống không được quá 10cm, như vậy mới đủ điều kiện thông quan sang Trung Quốc. Lý do là bởi, hiện Trung Quốc quy định kiểm dịch thực vật rất khắt khe, lá và cuống được xem là rác thải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch hại gây bệnh.

Theo các thương nhân Trung Quốc, ngoài việc làm sạch lá và chặt cuống ngắn, vải cần được túm thành bó nhỏ, khoảng từ 2 - 3kg. Người dân cần tuân thủ quy trình này trước khi đưa vải thiều đến các điểm thu mua.

Còn để cảnh báo vấn đề sử dụng mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói không đúng quy định, UBND huyện Lục Ngạn nhấn mạnh: Sai phạm khi sử dụng không đúng mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói có thể khiến nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm hoặc tạm dừng nhập khẩu. Việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của vải thiều Lục Ngạn trên thị trường quốc tế và nghiêm trọng hơn là mất thị trường xuất khẩu.

UBND huyện Lục Ngạn yêu cầu các xã, thị trấn không cho mượn mã vùng trồng, cơ sở đóng gói. Các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Được biết, do năm nay được mùa nên sản lượng vải của huyện Lục Ngạn khoảng 95.000 tấn, thu hoạch chủ yếu trong tháng 6&7.