Xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu
Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022 diễn ra vào sáng ngày 29/5, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, Hải Dương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng, sản lượng cao.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương hiện nay đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ.
Với sản phẩm vải thiều Thanh Hà, nhiều năm nay được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn xuất khẩu, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore, Thái Lan...
“Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song nhờ có sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức thương mại, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, công tác xúc tiến, tiêu thụ quả vải thiều đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020”, ông Thăng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được rất nhiều người biết đến, ca ngợi và được nhiều Hiệp hội bình chọn, vinh danh là “Tinh hoa đặc sản ba miền”…
Với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực cùng các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường.
Trong các giải pháp này, Bộ Công thương đặc biệt chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, chủ động đưa các sản phẩm của Việt Nam vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế, gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ Công thương để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Với tinh thần đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương tích cực quảng bá thương hiệu và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiểu cũng như các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp khác; phối hợp và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường lớn quan trọng như EU, Singapore, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... triển khai các hoạt động thiết thực để hỗ trợ hiệu quả địa phương và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước.
3 Giải pháp giúp Hải Dương tiêu thụ tốt vải thiều
Để vải thiều và các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, địa phương cần đáp ứng 3 giải pháp.
Một là, chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại như giao thương trực tuyến, hội chợ và hội thảo trực tuyến; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kết nối doanh nghiệp sản xuất với các nhà bán lẻ, kênh siêu thị và nhà xuất khẩu.
Tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường nhằm hỗ trợ định hướng sản xuất kinh doanh cho người dân và cho doanh nghiệp; xây dựng cơ cấu tổ chức thống nhất và mô hình hoạt động hiệu quả các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương.
Tăng cường kết nối hoạt động giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại với Cục Xúc tiến thương mại và giữa các trung tâm với nhau; đồng hành chia sẻ những khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu chất lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Hai là, hiện nay, dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng tinh hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước, do đó, tỉnh Hải Dương cần bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Trong trường hợp xấu, hoạt động thu mua vải thiều và nông sản không thể tiến hành trực tiếp giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân do hạn chế về nhập cảnh, đi lại của các doanh nghiệp nước ngoài và quy định của nước nhập khẩu, tỉnh Hải Dương cần sớm chủ động, thực hiện song hành kết nối doanh nghiệp với các nhà thu mua trong nước, các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Bên cạnh đó, xây dựng các phương án tổ chức các tuần hàng nông sản giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh, thành phố lớn trong nước.
Ba là, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương, Sở NN-PTNT, các địa phương trong tỉnh, thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ, nhất là các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc để có hướng giải quyết phù hợp, kịp thời...
Ðồng thời, đẩy mạnh khâu chế biến, nhất là đối với sản phẩm vải quả để hạn chế thiệt hại. Còn về lâu dài, tập trung hình thành sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi ngành hàng để sẵn sàng đối mặt với mọi rủi ro có thể xảy ra. Không ngừng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhằm chủ động hơn trong việc tiêu thụ nông sản.
Phát biểu tại các điểm cầu trực tuyến ở Trung Quốc, Australia, Malaysia, đại diện các Hiệp hội trái cây, doanh nghiệp nhập khẩu đều đánh giá cao chất lượng vải thiều Thanh Hà.
Ông Tryfopolous, Giám đốc Quản lý Xuất nhập khẩu hoa quả tươi Công ty 4 Waysfresh (Australia) thông tin tới hội nghị năm nay doanh nghiệp dự kiến nhập khẩu số lượng vải thiều tăng gấp đôi so với năm ngoái. Hiện Công ty đang đầu tư công nghệ, kỹ thuật để nâng cao chất lượng nông sản tại Việt Nam và hy vọng trong thời gian tới sẽ có cơ hội đầu tư tại Hải Dương.
“Tham vọng của chúng tôi sẽ đưa tất cả các loại trái cây có hương vị ngọt ngào tại Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng tới người tiêu dùng Australia”, ông Tryfopolous bày tỏ.