Thời sự Xanh: Cái chuồng bò và tiếng gà xao xác.

10 ngày đầu tháng 10 này, gần 20 vạn người là lao động và con cái họ đã rời miền đất hứa, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở phía Nam

Cùng với chăn màn quần áo, nồi niêu xoong chảo lỉnh kỉnh, chen chúc trên những chiếc xe máy cà tàng là từng gia đình lớn nhỏ không che giấu được ánh mắt mệt mỏi nhưng mang ý chí cương quyết trong cuộc thiên di chưa có tiền lệ này. Thi thoảng lại thấy có chú chó nhỏ không chê chủ nghèo ngoan ngoãn nằm kẹp giữa hai người lớn hoặc thập thò đầu lắc lắc trong chiếc túi lớn buộc sau xe.

ca-na-1-1634651012.jpg
Thu hoạch chè ở Lai Châu

Cái giá của cuộc thiên di ấy là tăng trưởng kinh tế giảm mạnh trong quý III/2021, đe dọa trong mấy tháng cuối năm dù kiểm soát được dịch bệnh và tận dụng tốt cơ hội cũng khó mà đạt được mục tiêu đã đề ra cho cả năm. Cái giá của cuộc thiên di ấy là hơn bốn chục địa phương có người trở về, nhất là những tỉnh nghèo, đang phải lo ngại nhiều lẽ. May mà, qua rà soát bước đầu chỉ phát hiện hơn ngàn trường hợp dương tính với thứ virus nguy hại đang làm thay đổi nếp sống và tư duy của loài người này.

Ở chiều ngược lại, cuộc thiên di ấy có một cái giá không dễ cảm nhận được, càng khó mà tính thành tiền. Bởi vì, gần 20 vạn người vừa trở về quê nhà ấy, không phải ai cũng cảm nhận rõ rệt được điều gì đã khiến họ dứt áo chia tay miền đất hứa. Trong số họ có 2 chị em ở Tây Nguyên khi về đến nhà được cách ly tại chuồng bò nên càng hiểu rõ về nguyên nhân kinh tế, dù cái chuồng bò ấy đã được kê dọn khang trang làm nơi ở. Nhưng cái chuồng bò ấy thực sự có giá trị hơn thế rất nhiều, nếu nhìn nhận nó như là một hình ảnh của nền kinh tế Xanh. Nói rộng ra, hơn bốn chục miền quê trong cả nước vừa có người trở về ấy chắc chắn còn giữ được điều gì đó, thứ gì đó hấp dẫn để những người con tha phương cầu thực quay trở lại khi cùng đường. Đó có thể là cái chuồng bò, là tiếng gà xao xác heo may cuối thu, là giọt sương sớm chầm chậm tan nơi kẽ lá, là ánh nắng chiều vắt ngang nương chè, hay những cánh cò bay trên ruộng lúa…

Sẽ thấy những hình ảnh ấy có giá trị hơn nhiều, không thể tính được bằng tiền, khi biết rằng, không ít người đi làm ăn xa gặp thời thế khó khăn, thậm chí bước đường cùng họ cũng không quay lại quê nhà, thà vất vưởng vỉa hè hay chui vào container chứ họ không trở về, bởi vì từ lâu quê nhà chỉ còn lại những dòng sông đã chết, những cột khói đen u ám trời chiều, những khối nhà bê tông mọc lên trên nền ao hồ cạn kiệt…

Chưa hết, thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Chúng ta còn chưa quên hơn chục cán bộ chiến sỹ năm ngoái hy sinh khi cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng miền Trung, đã lại nghe tin sập hầm thủy điện đâu đó ở vùng núi phía Bắc.

Đừng đổ hết lỗi cho dịch bệnh hay biến đổi khí hậu. Góp phần làm giảm nguồn sinh kế của người dân, làm gia tăng đói nghèo có những quyết sách sai lầm của địa phương, ngành, lĩnh vực, có những quyết định đầu tư tham lam của doanh nghiệp dễ dàng được thông qua…

Xanh hóa nền kinh tế, chưa muộn, phải trở thành mục tiêu bắt buộc, vừa ngắn hạn vừa lâu dài của từng địa phương và cả nước. Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực, có chế tài và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân hủy hoại môi trường. Tài nguyên và nguồn lực của quốc gia cần giao cho những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất và có hướng phát triển bền vững.

Trong thời dịch dã, ngay ở nơi báo động đỏ vẫn có những vùng xanh, vấn đề là chúng ta có cùng nhau giữ được và mở rộng sắc xanh ấy hay không mà thôi. Những vùng quê nơi 20 vạn người lao động vừa trở về chính là những vùng kinh tế Xanh. Mong rằng, Nhà nước cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp và chính quyền địa phương có đường hướng và giải pháp khả thi để giúp họ suy ngẫm ngay trên mảnh đất quê hương, góp công góp của vào gìn giữ, xây dựng, đầu tư phát triển, khẳng định đúng giá trị của cái chuồng bò, của tiếng gà xao xác./.

      Sơn Chính