Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh nhận được thông tin, một bộ phận nhân dân, phật tử trong xã Vũ Ninh (Kiến Xương, Thái Bình) khiếu kiện kéo dài, về việc huy động đóng góp và thanh quyết toán xây dựng chùa Phúc Lâm có dấu hiệu không minh bạch, thất thoát tiền đóng góp của nhân dân.
Trên cơ sở phản ánh của người dân và tìm hiểu thực tế, Tòa soạn Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã có Công văn chuyển đến UBND huyện Kiến Xương, UBND xã Vũ Ninh để làm rõ thông tin về vụ việc. Theo đó, UBND huyện Kiến Xương đã ra Văn bản chỉ đạo số 1446/UBND-TCD ngày 20/9/2023 về việc tham mưu giải quyết đơn thư, đồng thời, giao cho Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng Công an, Chủ tịch UBND xã Vũ Ninh nghiên cứu, tham mưu cho UBND huyện, giải quyết, trả lời công dân bằng văn bản theo quy định, báo cáo UBND huyện trước ngày 30/9/2023.
Ngày 5/10/2023, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã có buổi làm việc với UBND huyện Kiến Xương, UBND xã Vũ Ninh. Tại buổi làm việc, đại diện của huyện Kiến Xương và xã Vũ Ninh đều cho biết, các ngành có liên quan đang tích cực tham mưu để sớm có văn bản trả lời dứt điểm đơn thư của công dân theo quy định của pháp luật.
Qua tìm hiểu, chùa Phúc Lâm thuộc thôn Nam Sơn, xã Vũ Ninh là ngôi chùa cổ được nhân dân và phật tử đóng góp xây dựng từ hàng trăm năm nay. Chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động văn hóa khác không chỉ của nhà chùa, các phật tử mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt tâm linh của bà con trong cả xã và du khách thập phương. Việc xây dựng, tôn tạo chùa Phúc Lâm to đẹp và khang trang hơn là nhu cầu, cũng là tâm nguyện của nhân dân trong xã, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Chi bộ 5 thôn và cán bộ thôn đã thống nhất cử ra Ban kiến thiết, trong đó, ông Bùi Văn Đấu - Trưởng Ban kiến thiết và ông Lại Văn Tâm làm thủ quỹ, các thành viên khác là các ông (bà) Bí thư chi bộ, Trưởng thôn của 5 thôn và một số cá nhân khác. Các chi hội phật tử đã tổ chức vận động trên địa bàn xã và con em của xã đang sinh sống trong và ngoài nước. Tổng mức đóng góp theo công bố là 8.066.498.000 đồng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai xây dựng công trình có nhiều vấn đề trong khâu chi tiêu và thanh quyết toán công trình, khiến nhân dân trong xã và phật tử bức xúc.
Chùa Phúc Lâm được xây dựng, tôn tạo từ năm 2017 đến năm 2020 mới hoàn thành. Theo số liệu báo cáo thì số tiền đóng góp của nhân dân không đủ để xây chùa, mà còn phải đi vay của phật tử và nhân dân. Ban kiến thiết không quyết toán ngay để công khai theo quy định. Sau nhiều lần kiến nghị, từ xã lên huyện và các cấp. Sau khi có sự chỉ đạo của UBND huyện Kiến Xương, UBND xã yêu cầu Ban kiến thiết xây dựng chùa tổng hợp và công khai trước cán bộ và nhân dân 5 thôn vào ngày 8/11/2022 với tổng chi phí là 10.084.283.000 đồng. Tuy nhiên, bà con nhân dân thấy có nhiều vấn đề không rõ ràng, minh bạch, cần được làm rõ.
Phật tử trong xã đã cử tổ xác minh các khoản chi mà Ban kiến thiết đã công khai, sau khi trao đổi với các chủ cửa hàng cung cấp nguyên vật liệu cho Ban kiến thiết thì thấy sự chênh lệch đáng kể như tiền mua dây điện, ống nước của cửa hàng ông Phạm Duy Thiên có giá trị thực tế được cửa hàng xác nhận là 33.805.000 đồng, nhưng theo báo cáo của ông Đẩu là 58.782.000 đồng, tiền công xây dựng của ông Nguyễn Đức Vinh có giá trị thực tế được ông Vinh xác nhận là 2.085.115.000 đồng, nhưng theo báo cáo của ông Đẩu lại là 2.229.579.000, tiền mua vật tư tại của hàng Huế Thái có giá trị thực tế được chủ cửa hàng xác nhân là 113.078.000 đồng, nhưng theo báo cáo của ông Đẩu là 163.213.000 đồng. Các khoản chi này có dấu hiệu nâng khống hàng trăm triệu đồng, việc này rất rõ ràng vì đã được các chủ cửa hàng và người làm công xác nhận.
Nhiều khoản chi có không có tính minh bạch và không đúng mục đích như xây cổng 854 triệu đồng, xây nhà mẫu 427 triệu đồng, xây khu vệ sinh 1,007 tỷ đông, xây Tam bảo 76 triệu đồng và hai khoản chi khác lần lượt là 1,4 tỷ đồng và 205 triệu đồng,..... Tổng hợp của các khoản chi khác là hơn 4 tỷ đồng, trên tổng chi phí xây chùa khoảng 10 tỷ đồng, tức chi khác chiếm khoảng 40% là hoàn toàn phi lý, không đúng với thực tế cũng như quy định trong xây dựng cơ bản. Chi khác là chi gì, đây là câu hỏi cần được làm rõ, công khai để nhân dân và phật tử được biết.
Vấn đề được đặt ra là tại sao việc huy động số tiền lớn để xây dựng thiết chế văn hóa lại không thấy vai trò quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương tham gia. Kiến nghị của số đông bà con nhân dân, phật tử kéo dài từ năm 2020 đến nay chưa được giải quyết triệt để?!
Hàng loạt những câu hỏi trên đã được Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình. Trên tinh thần lắng nghe nguyện vọng nhân dân, phật tử, cầu thị ý kiến phản hồi của cơ quan báo chí và đặc biệt là tinh thần thượng tôn pháp luật, UBND huyện Kiến Xương đã và đang vào cuộc làm rõ những vấn đề trên.
Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.