Đề xuất chuyển 11 doanh nghiệp "nghìn tỷ" về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

11 doanh nghiệp với doanh thu nhiều nghìn tỉ đồng đang được Bộ Công Thương quản lý được đề xuất chuyển nguyên trạng về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC.
habeco-1692785210.jpg
Nhà máy Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) là một trong những doanh nghiệp bị đề xuất chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc giám sát tình hình thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất bàn giao đồng thời và nguyên trạng tất cả các doanh nghiệp do Bộ đang làm đại diện chủ sở hữu sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC giai đoạn 2022-2025. Việc này nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp tốt thì nhận bàn giao, doanh nghiệp không tốt thì không nhận và làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.

Các doanh nghiệp Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho chuyển Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), gồm các tổng công ty: Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Giấy Việt Nam, Máy và thiết bị công nghiệp, Xây dựng công nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra còn có các công ty cổ phần, như Xây dựng và xuất nhập khẩu tổng hợp; Nông thổ sản Việt Nam; Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng; Công ty TNHH MTV Xây lắp thương mại và vật liệu xây dựng BMC; Viện nghiên cứu Dệt may; Viện máy và dụng cụ công nghiệp IMI.

Trong số các đơn vị Bộ Công Thương muốn chuyển về Ủy ban vốn và SCIC, có những doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, như Habeco, VEAM... Chẳng hạn, năm 2022, Habeco ghi nhận doanh thu hơn 6.930 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ 2021 và lãi trước thuế trên 517 tỷ. Còn VEAM cũng ghi nhận doanh thu gần 5.180 tỷ đồng vào năm ngoái, và lãi trước thuế 6.120 tỷ.

Theo báo cáo, ngoài việc đôn đốc các doanh nghiệp lập phương án sắp xếp các cơ sở nhà đất theo quy định, Bộ Công Thương cũng thực hiện quyết toán cổ phần hóa với các đơn vị chưa quyết toán khi chuyển sang công ty cổ phần.

Bộ này cũng cho biết, hiện có 3 doanh nghiệp chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa gồm Tổng Công ty Thép (VNSteel), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) do vướng quyết toán cổ phần hóa, đất đai và cả xảy ra một số vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra đang điều tra xử lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng đất đai, các khoản công nợ...

Hương Lan