Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 8/2024, hầu hết các sản phẩm thủy sản xuất khẩu (XK) chính của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt trong top 5 sản phẩm có tăng trưởng đột phá nhất ghi nhận số lượng xuất tôm hùm tăng gấp 30 lần cũng kỳ năm ngoái.
Tính riêng các sản phẩm tôm, lũy kế 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 2 con số ở hầu hết các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Trung Quốc, EU.
Tồn kho giảm bớt, nhu cầu nhập hàng phục vụ các dịp lễ cuối năm khiến cho các thị trường tăng cường nhập khẩu tôm. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất trên thế giới cũng như Việt Nam có xu hướng tăng, tác động tích cực lên giá tôm xuất khẩu.
Đưa ra những thách thức của ngành tôm Việt Nam tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết: Tôm là một trong hai loài thủy sản chiến lược của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu dao động từ 3,5 đến 4 tỷ USD, chiếm từ 13 đến 14% tổng giá trị tôm toàn cầu.
Việt Nam cũng nổi bật với công nghệ chế biến tôm hiện đại và mạnh về sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, nhờ đó đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn đang đối diện với không ít thách thức. Cụ thể, trong năm 2023, sản lượng tôm giảm mạnh tới 32%, trong khi các quốc gia đối thủ như Ecuador và Ấn Độ tăng sản lượng. Ông Quang chỉ rõ rằng giá thành sản xuất cao khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tôm toàn cầu giảm do suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành tôm của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, như chi phí nhân công cao, chi phí xử lý nước thải đắt đỏ, chất lượng tôm giống chưa đạt chuẩn và phương pháp nuôi trồng không bền vững. Nhiều cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, như BAP và ASC, dẫn đến giá bán không cao. Đồng thời, tỷ lệ thành công trong nuôi tôm của Việt Nam chỉ đạt 40%, thấp hơn nhiều so với Ecuador (90%) và Ấn Độ (60-70%). Các phương pháp nuôi trồng cũng chưa hiệu quả khi mật độ nuôi cao khiến tôm dễ bị stress và nhiễm bệnh.
Từ đó dẫn tới việc dù trong chuỗi giá trị tôm, doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở khâu chế biến, tuy nhiên ở khâu nuôi tôm và khâu phân phối khó có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác. Trong thời gian tới, các nước sẽ có thể bắt kịp và vượt Việt Nam cả về khâu chế biến vì các Chính phủ và doanh nghiệp của họ cũng đang rất nỗ lực đầu tư công nghệ chế biến.
Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm đến phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả, theo ông Lê Văn Quang, ngành tôm cần thay đổi tư duy, thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao (số lượng) cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả (chất lượng, môi trường, sức khoẻ và giá bán).
Đồng thời, về chính sách quy hoạch và quản lý về giống, đại diện Công ty Minh Phú đề xuất Bộ NN&PTNT nghiên cứu đề xuất sửa đổi về quy định đối với việc sản xuất tôm giống; cho phép các doanh nuôi tôm lớn gia hóa chọn giống theo hướng chọn lọc tự nhiên để có được tôm giống kháng bệnh, thích nghi với thời tiết, khí hậu và môi trường của từng vùng nuôi.
Ngoài ra, ông đề nghị Nhà nước đầu tư vào hệ thống kênh cấp thoát nước riêng biệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong quá trình nuôi trồng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển vật tư nông nghiệp sinh học, giúp giảm thiểu tác động môi trường và tạo ra một nền nông nghiệp tuần hoàn, bền vững. Do đó, cần có hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng và phát triển các phân bón, thức ăn sinh học, chế phẩm sinh học cho vật nuôi, cây trồng. Thực hiện ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn biến các chất thải, các phế liệu, các phế phẩm của ngành nông nghiệp thành các sản phẩm có giá trị và quay lại phục vụ ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Đặc biệt, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đô thị; các khu công nghiệp nuôi trồng chuyên nghiệp nhất là đầu tư các khu phức hợp bao gồm công nghiệp chế biến, gắn với công nghiệp nuôi trồng và khu dân cư đô thị tiện ích, các trung tâm thương mại, logistics và phân phối sản phẩm nông nghiệp./.