Ngành tôm tăng tốc xuất khẩu kỳ vọng trở lại thời 'hoàng kim' tại các thị trường nhỏ

Hiện tôm Việt Nam đứng thứ 3 tại thị trường Trung Quốc, thứ nhất tại Nhật Bản và Hàn Quốc; Sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tái hiện mốc kỷ lục.
xuat-khau-tom-01-1711962675.jpg
Sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tái hiện mốc kỷ lục. (Ảnh minh họa)

Xuất khẩu tôm vượt khó tăng tốc đầu năm 2024

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 620 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, kim ngạch tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước tăng 26%, còn thị trường Trung Quốc ước tăng hơn 140%.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc trong quý I/2024 vẫn khá cao. Điển hình như tháng đầu tiên năm nay, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm để đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Ecuador - nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc, nên thị trường này tăng cường nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Trên thị trường Trung Quốc, tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá so với các nguồn cung đối thủ, tuy nhiên, nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên đã chấp nhận mức giá cao hơn.

xuat-khau-tom-02-1711962715.jpg
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm 40% – 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. (Ảnh minh họa)

Còn tại thị trường Mỹ, các chuyên gia ngành tôm nhận định, doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ dự báo sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu. So với một số nguồn cung tôm chính tại Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ.

Hiện tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam liên tục nằm trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu.

Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ từng lập kỷ lục 4,3 tỷ USD. Cũng trong năm này, ngành thủy sản lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu.

Tôm xuất khẩu trở lại thời hoàng kim từ thị trường nhỏ

Căn cứ kế hoạch triển khai năm 2024, Cục Thủy sản giữ ổn định tổng diện tích nuôi trồng (khoảng 1,3 triệu ha), trong đó có 737.000ha nuôi tôm nước lợ. Ước tính, Việt Nam sẽ thu hoạch khoảng 1,12 triệu tấn tôm, gồm 300.000 tấn tôm sú, còn lại là tôm thẻ chân trắng.

5 nhóm nhiệm vụ cũng được xác định triển khai từ giờ đến cuối năm. Cục trưởng Trần Đình Luân cho biết, ngành thủy sản sẽ phối hợp chặt chẽ giữa công tác quan trắc, cảnh báo môi trường với giám sát dịch bệnh để có dự báo chính xác và cảnh báo sớm đến người dân.

Đồng thời, toàn ngành tôm sẽ phát triển chuỗi sản xuất theo hướng thâm canh, công nghệ cao. Trên cơ sở đó, người nuôi sẽ được hướng dẫn trực tiếp về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả với từng phương thức nuôi.

Tại các vùng sản xuất tôm trọng điểm, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp, HTX và người dân được khuyến khích tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật đối với diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến, sinh thái, hữu cơ.

Đồng hành với cơ quan quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu phấn đấu tăng trưởng 10 - 15% trong năm 2024. VASEP thông tin, nhu cầu sản phẩm có nguồn gốc protein từ thủy sản đang ngày một tăng. Người tiêu dùng tại các nước phát triển có xu hướng thay thế dần nguồn protein từ động vật trên cạn.

xuat-khau-tom-03-1711962657.jpg
Ước tính, năm 2024, Việt Nam sẽ thu hoạch khoảng 1,12 triệu tấn tôm, gồm 300.000 tấn tôm sú, còn lại là tôm thẻ chân trắng. (Ảnh minh họa)

Bà Trần Thụy Quế Phương, Chánh văn phòng VASEP chia sẻ: "Sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tái hiện mốc kỷ lục. Do ảnh hưởng của chiến tranh và biến động ở Trung Đông, chi phí vận chuyển tới châu Âu, Hoa Kỳ tăng, nên nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ là lợi thế".

Hiện tôm Việt Nam đứng thứ 3 tại thị trường Trung Quốc, thứ nhất tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến định hướng, ngành tôm cần hướng tới tăng sản lượng để có "phần dôi dư" xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ, trong đó có Hà Lan.

"Cùng một lượng sản xuất nhưng xuất khẩu đi đâu để nâng cao giá trị là điều cần tính toán. Để phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương cần chung tay quản lý về tôm giống, vận chuyển, chất lượng thương phẩm. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ về giống, chế phẩm sinh học, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm", Thứ trưởng yêu cầu.

Bên cạnh các thị trường lớn, thì thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản cũng được đánh giá sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường lớn khác như Mỹ, châu Âu trong năm 2024. Người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam. Ngoài ra, thị trường Nhật Bản có vị trí địa lý gần hơn so với Mỹ, châu Âu và phương thức thanh toán cũng an toàn hơn.

Theo đại diện VASEP, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm 40% – 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh của tôm Việt tại thị trường Nhật. Tôm Việt Nam dẫn đầu trong thị phần tôm cao cấp ở Nhật Bản./.

Bình Nguyên