Các thành phố nổi có thể là một cách để giảm thiểu tác động của mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây ra. "Mực nước biển dâng gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với một số đảo nhỏ và một số bờ biển trũng thấp," theo nhận xét tóm tắt của các nhà hoạch định chính sách trong báo cáo gần đây nhất của IPCC từ Liên hợp quốc vào cuối tháng 2. Cũng theo báo cáo này, mực nước biển dâng cao đe dọa đến cơ sở hạ tầng giao thông và điện ở vùng ven biển.
Kể từ năm 1880, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng từ 20 đến 23cm, theo Climate.gov, một cổng thông tin và khoa học về biến đổi khí hậu do Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia điều hành (NOAA).
Một phần ba mực nước biển đã dâng lên trong 25 năm qua. Tại Mỹ, mực nước biển dâng trung bình được dự báo là từ 25 đến 30cm vào năm 2050, theo NOAA.
Busan là nơi sinh sống của 3,4 triệu cư dân và là một thành phố cảng quan trọng. Để thích ứng với tình trạng nước biển dâng, Busan đã ký thỏa thuận hợp tác với Oceanix và Chương trình Định cư Con người của Liên hợp quốc vào năm 2021 để phát triển một thành phố nổi. BIG-Bjarke Ingels Group và Samoo Architects & Engineers, thuộc sở hữu của Samsung, là những kiến trúc sư hàng đầu thuộc dự án thành phố nổi.
Dưới đây là một số dự thảo của dự án được chia sẻ:
Nguyên mẫu được làm từ các khu vực kết nối với nhau có tổng diện tích bề mặt là khoảng 62 hecta. Mỗi khu của thành phố được thiết kế cho một mục đích sử dụng cụ thể, như không gian sống, cơ sở nghiên cứu hoặc chỗ ở. Các cây cầu giúp kết nối các khu vực với nhau.
Dự thảo mô tả một cộng đồng 12.000 người với khả năng mở rộng lên đến hơn 100.000 người.
Thành phố nổi cũng hoàn toàn bền vững bằng cách sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời, và tất cả nước được sử dụng trong thành phố nổi sẽ được xử lý và tái chế.
Ba năm trước, Liên hợp quốc đã chính thức bắt đầu nghiên cứu các thành phố nổi như một biện pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà chúng ta không thể tiếp tục xây dựng các thành phố theo cách mà New York và Nairobi đã được xây dựng", Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed cho biết. Ông nói thêm: "Chúng ta phải xây dựng các thành phố khi biết rằng chúng sẽ phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến khí hậu - từ mực nước biển dâng cao đến bão lũ."