Thành phố Hải Phòng có thêm 12 dự án FDI, tổng vốn 1,8 tỷ USD, khẳng định là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư quốc tế

Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương, UBND TP Hải Phòng đã trao 12 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án đầu tư mới, 8 dự án mở rộng tiêu biểu với tổng số vốn đầu tư tăng thêm 1,8 tỷ USD. Lũy kế đến nay, Thành phố đã thu hút vốn 1.000 dự án đầu tư nước ngoài đạt 32,2 tỷ USD.

Chiều 14/11, UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tháng 11/2024. Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương; đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo TP Hải Phòng và đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham dự sự kiện.

hai-phong-trao-chung-nhan-dau-tu-1-1731591647.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm chứng kiến TP Hải Phòng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các cho các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố tháng 11/2024.

Tại hội nghị, UBND TP Hải Phòng đã trao 12 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án đầu tư mới, 8 dự án mở rộng tiêu biểu với tổng số vốn đầu tư tăng thêm 1,8 tỷ USD. Dự kiến nhu cầu lao động các năm tới khoảng 17.000 người.

Trong đó, đáng chú ý nhất là Dự án đầu tư mở rộng của Tập đoàn LG, Hàn Quốc (Công ty TNHH LG Display Việt Nam) tại KCN Tràng Duệ, tăng tổng vốn đầu tư từ 4,65 tỷ USD lên thành thành 5,65 tỷ USD. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Tập đoàn LG tại Việt Nam, chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao với quy mô 14 triệu sản phẩm/tháng. Các dự án còn lại được tăng vốn hoặc cấp mới với số vốn từ 10-169 triệu USD.

hai-phong-trao-chung-nhan-dau-tu-3-1731591633.jpg
hai-phong-trao-chung-nhan-dau-tu-2-1731591728.jpg
Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư.

Tính hết tháng 10/2024, tổng vốn đầu tư thu hút trực tiếp nước ngoài của TP. Hải Phòng đạt khoảng 3,5 tỷ USD, đạt 140% kế hoạch năm. Dự kiến hết năm 2024, Thành phố sẽ thu hút đạt trên 4,5 tỷ USD (bằng 180% kế hoạch năm).

Lũy kế đến nay, Thành phố đã thu hút vốn 1.000 dự án đầu tư nước ngoài đạt 32,2 tỷ USD, hiện đang đứng thứ 6 cả nước. Trong đó, lĩnh vực cơ khí, hóa chất, dược chiếm 36%; điện tử (30%); logistics, cơ sở hạ tầng (15%); hóa chất, nhựa, bao bì, dược phẩm (17%). Tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện nay đã lên đến 70%, suất đầu tư bình quân trên 1 ha của TP. Hải Phòng vào khoảng 13 triệu USD/ha gấp hơn 3 lần suất đầu tư 4 triệu USD/ha bình quân của cả nước.

Có hơn 40 quốc gia đầu tư vào TP. Hải Phòng, trong đó Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về đầu tư FDI vào Thành phố với 11 tỷ USD (chiếm 44%), Trung Quốc thứ 2 với 6 tỷ USD (chiếm 23%), Nhật Bản thứ 3 với 3,5 tỷ USD (14%)…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định: Sự hiện diện của Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương tại hội nghị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của đất nước và sự quan tâm đến TP Hải Phòng.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho rằng, Hải Phòng luôn là địa phương đi đầu trong cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư quốc tế. Bình quân 5 năm gần đây, mỗi năm Hải Phòng thu hút 3,6 tỷ USD.

Thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, nhất là các dự án về bán dẫn và chip điện tử, lựa chọn các nhà đầu tư lớn và có uy tín trên thế giới. Hải Phòng cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất, làm thủ tục nhanh nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

hai-phong-trao-chung-nhan-dau-tu-4-1731591768.jpg
Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về đầu tư FDI vào Thành phố Hải Phòng với 11 tỷ USD (chiếm 44%).

Kết quả thu hút nguồn vốn FDI với những con số biết nói như trên thể hiện rõ nét dấu ấn của sự đổi mới tư duy, nhận thức và tầm nhìn, hành động của Đảng bộ, chính quyền TP. Hải Phòng. Mỗi dự án FDI thu hút về Hải Phòng là kết quả của cả một quá trình với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và sự đồng thuận, thống nhất với tinh thần trách nhiệm cao, từ định hướng phát triển, quy hoạch, kêu gọi đầu tư hạ tầng KCN, giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án hạ tầng kết nối đến tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh./.

Hải Phòng cần có chiến lược tốt trong lựa chọn thu hút FDI

Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại thành phố Hải Phòng, chiều 14/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố; quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 96-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư yêu cầu Hải Phòng cần có chiến lược tốt trong lựa chọn thu hút FDI và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập, tinh thần tự cường và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Hải Phòng phải phấn đấu trong nhiệm kỳ tới khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa; tạo dựng một cách cơ bản, rõ nét các nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo, y tế và khoa học-công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; định hình lại chính sách hỗ trợ đào tạo lao động kỹ thuật cao để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

Tổng Bí thư đề nghị thành phố cần phải tăng tốc đô thị hóa có chất lượng để tương xứng vai trò và vị thế của một thành phố trực thuộc trung ương và phải chủ động liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống.

Hải Phòng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng tốc phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững hơn; đột phá về cải cách hành chính và môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong hợp tác và phát triển kinh tế; cải cách, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, nhân dân, khắc phục tình trạng trì trệ, kém hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức.

Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý thành phố cần củng cố các nền tảng xã hội, nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận dịch vụ công, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết mâu thuẫn xã hội từ khi mới phát sinh, không để trở thành điểm nóng về an ninh, trật tự; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; chủ động phòng ngừa, ứng phó không để bị động, bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào.

Về các kiến nghị của thành phố Hải Phòng, cơ bản các bộ, ngành đồng tình ủng hộ, Tổng Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp các đề xuất kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo thuận lợi nhất cho Hải Phòng phát triển.

Với nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng, cùng với sự ủng hộ của Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng, Hải Phòng sẽ sớm thành công và trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp hóa mới, sớm hiện thực hóa Tầm nhìn 2045 mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đặt ra cho Hải Phòng, đó là trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới, tạo bứt phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025./.

Trọng Bình