Thanh Hóa: Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp.
nong-nghiep-1705478122.jpg
Nhờ đảm bảo hệ thống tưới tiêu nên thuận lợi cho nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã quyết định ban hành chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 đến 2025.

Theo đó, tạo chuyển biến rõ nét về quy mô năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh về nông, lâm, thủy sản; mở rộng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có tiềm năng theo chuỗi giá trị, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao, một số sản phẩm có lợi thế xây dựng được thương hiệu mạnh. Xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo đó, trong năm 2023, toàn tỉnh đã làm mới 16 km đường lâm nghiệp, xây dựng hạ tầng 07 vùng sản xuất cây ăn quả, tập trung tu sửa và làm mới 132,7 km đường băng cản lửa rừng kết hợp đường tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo phát huy hiệu quả trong công tác PCCCR.

Đối với kênh mương phục vụ tưới tiêu, trong năm qua, tỉnh Thanh Hóa dự kiến hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 19 hồ chứa, 15 đập dâng, 16 trạm bơm, 11 tuyến kênh tưới tiêu; sửa chữa, bảo dưỡng 104 trạm bơm tiêu và tưới tiêu kết hợp trên địa bàn tỉnh, góp phần chủ động tưới tiêu ổn định cho 310.000 ha đất gieo trồng cây hàng năm.

kenh-muong-1705478383.jpg
Từ năm 2021 đến nay, Thanh Hóa đã xây dựng và tu bổ hơn 933 km kênh mương phục vụ tưới tiêu.

Ngoài ra, một số hệ thống hồ chứa nước, đập thủy lợi, hệ thống đê điều được duy tu, bảo dưỡng theo kế hoạch góp phần phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi cũng như nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Gia cố bê tông 8,93 km mặt đê, xây dựng 04 kho vật tư PCLB kết hợp điểm canh đê, hoành triệt 02 cống, tu sửa 05 cống, tu sửa 01 kè, khoan phụt vữa gia cố nền đê 3,8 km, xử lý mối 5,79 km, phát quang mái đê 12,2 km.

Ông Lê Duy Tĩnh - Phó chủ tịch xã Thanh Tân (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) cho biết: “Thực hiện Nghị quyết của tỉnh về chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 đến 2025, trên địa bàn đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông nội đồng, tu bổ, sửa chữa một số kênh mương phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân. Qua đó, năng suất nông nghiệp không nghiệp không ngừng tăng lên”./.

Từ năm 2021 đến nay, Thanh Hóa đã đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trên 2.779 km đường giao thông nông thôn; 933 km kênh mương và rãnh thoát nước; 229 công trình thủy lợi; 2.677 phòng học các cấp; 1.269 km đường điện, 331 trạm biến áp; 75 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn; 66 chợ nông thôn; 78 trạm y tế xã; 38 công trình công sở xã; 59 công trình cấp nước sinh hoạt; 18 công trình bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch; xây dựng mới và chỉnh trang trên 46 nghìn nhà ở dân cư.

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng được tăng cường, từng bước kết nối với đô thị. Qua đó, thúc đẩy phát triển sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện, ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đang tích cực phối hợp với các ngân hàng liên quan triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và tăng cường quản lý vốn của Nhà nước cho nông dân vay để giảm thiểu tối đa rủi ro trong sản xuất và kinh doanh.

Đồng thời, ngành nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; mở rộng các hình thức hợp tác công tư trong phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng; huy động nguồn vốn đầu tư của Nhà nước với đóng góp của các tổ chức, cá nhân và người dân để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp./.

Hà Khải