Nông nghiệp xứ Thanh kỳ vọng từ những mô hình cho thu nhập 500 triệu đồng/ha

Năm 2023, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa duy trì được mạch tăng trưởng khá. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình cho thu nhập 500 triệu đồng/ha.
phien-cho-an-toan-thuc-pham-1704246931.png
Triển lãm nông sản sạch góp phần thúc duy trì mạch tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thanh Hóa.

Trong những năm qua, với sự, sự nỗ lực vượt khó của toàn ngành cùng các cấp chính quyền và doanh nghiệp, đã đưa tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh đạt 4,16%, góp phần vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP toàn tỉnh năm 2023 đạt 7,01%.

Trong đó, “Chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp” được xem là bước đổi mới trong tư duy lãnh đạo và định hướng, bước đầu tác động đến thực tiễn sản xuất trên thực tế. Từ đó, lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dần được thay thế bằng những mô hình quy mô lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất để tạo bước đột phá về năng suất, sản lượng và giá trị.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều. Tạo tiền đề quan trọng để phát triển “kinh tế nông nghiệp” theo đề án của tỉnh và ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai. Tính riêng năm 2023, toàn tỉnh có thêm 107 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.312 doanh nghiệp, 2 liên hiệp HTX và 756 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sản xuất quy mô lớn, ứng dụng các tiến bộ khoa học và nhiều tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đã “nâng tầm” sản phẩm. Năm 2023, ghi dấu những bước ngoặt đột phá của nông sản Thanh Hóa đến với những thị trường khắt khe nhất thế giới. Đầu tiên phải kể đến lô vải không hạt được trồng tại Ngọc Lặc lần đầu tiên xuất khẩu đến Nhật Bản và Vương quốc Anh. Tiếp đến, những sản phẩm mắm sản xuất tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) vượt qua nhiều quy chuẩn khắt khe nhất thế giới để xuất ngoại đi Hoa Kỳ, Australia...

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện với tốc độ tăng trưởng 4,16%. Tổng sản lượng lương thực đạt 1,57 triệu tấn, vượt 2,8% kế hoạch. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt ước đạt 120 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so với năm 2022. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 297 nghìn tấn, vượt 2,4% kế hoạch, tăng 7,5% cùng kỳ. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 215,6 nghìn tấn, vượt 2,2% kế hoạch, tăng 3,7% so với cùng kỳ.

Các mô hình liên kết sản xuất trong trồng trọt nở rộ khắp nơi, giúp nông sản có đầu ra ổn định. Tại các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống... mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm đã tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần, lợi nhuận cao hơn từ 30 đến 50 triệu đồng/ha. Mô hình tích tụ đất trồng cây ăn quả có múi tại Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân... cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha. Mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Triệu Sơn cho thu nhập 400 triệu đồng/ha...

Trong chăn nuôi, các cơ sở quy mô lớn của Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn TH True milk, Tập đoàn DABACO, Công ty CP Nông sản Phú Gia... vẫn hoạt động ổn định. Trong năm qua, có thêm khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao lớn bậc nhất ở miền Bắc và dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO tại huyện Thạch Thành đều hoàn thành đi vào hoạt động. Dự án khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện, Thanh Hóa (Ngọc Lặc) đã hoàn thành 97% khối lượng công việc và đi vào hoạt động với quy mô 4.170 lợn nái, 11.250 lợn con theo mẹ... Nhiều dự án tầm cỡ, được đầu tư bài bản đã giúp hoạt động chăn nuôi Thanh Hóa có sự tăng trưởng mạnh, bền vững./.

Hà Khải