Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng

Những ngày qua, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng đã làm nền nhiệt độ ở Hà Tĩnh tăng cao, dao động phổ biến từ 36 - 40 độ C, nhiều nơi xuất hiện nắng nóng gay gắt lên trên 41 độ C. Trước tình hình đó, ngành Kiểm lâm cùng các địa phương, đơn vị chủ rừng đang tăng cường công tác tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), chủ động “canh lửa” tại những khu rừng trọng điểm, dễ cháy.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tại nhiều khe suối, hồ đập trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở tỉnh Hà Tĩnh luôn thu hút rất đông người dân, du khách thập phương đến tham quan, ngắm cảnh, giải nhiệt.  Bên cạnh đó, sau các vụ khai thác keo tràm, nhiều hộ dân tự ý lên rừng đốt thực bì để tiến hành trồng vụ mới, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao trong mùa nắng nóng.

Để phòng ngừa nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra, chính quyền các địa phương đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm lập chốt kiểm soát 24/24 giờ trong ngày, ngăn cấm những người không phận sự  vào rừng.

Theo thống kê, Hà Tĩnh hiện có gần 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 120.000 ha rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy.  Bước vào mùa nắng nóng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh và các địa phương, đơn vị chủ rừng đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR trong Nhân dân; tập trung tu sửa, nâng cấp, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống cháy. Riêng đối với các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy, các đơn vị chủ rừng đã chủ động xây dựng sơ đồ, bản đồ để phục vụ cho công tác chỉ đạo, huy động lực lượng kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

1-92-1683472901.jpg
Chốt kiểm soát người ra vào rừng tại hồ Suối Tiên, thị xã Hồng Lĩnh

Tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, hiện đơn vị đang quản lý, bảo vệ gần 10.000 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, Lộc Hà và huyện Nghi Xuân. Địa bàn rộng, rừng chủ yếu là cây thông nhựa và một số diện tích bạch đàn, keo tràm tái sinh dễ cháy.

Lâm phận Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh sát với nhiều khu dân dân cư. Trong rừng có chùa Hương Tích, chùa Hang, chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm.v.v.. là những nơi thu hút rất đông người dân, du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh. Du khách đông, việc sử dụng lửa, thắp hương, đốt vàng mã sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng.

2-74-1683472927.jpg
Đặt các biển cảnh báo về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Ông Nguyễn Hải Vân, Phó Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, hiện nay đơn vị đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm lập 3 chốt kiểm soát người vào khu vực rừng trọng điểm, dễ cháy. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động lực lượng trực gác thường xuyên ở các chòi canh lửa, chủ động  phòng ngừa, phát hiện sớm và ứng cứu kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt có khả năng kéo dài đến hết ngày 7/5. Nhiệt độ cao nhất vùng đồng bằng ven biển 39 - 40 độ C, vùng núi 40 - 41 độ C, độ ẩm tương đối thấp, dao động từ 35 - 45%.

3-51-1683472946.jpg
Các lực lượng chức năng tập trung thực hiện phương án 4 tại chỗ, chủ động phòng ngừa nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra

Liên quan đến công tác phòng chống chữa cháy rừng, ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đang tập trung bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động triển khai các phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. 

"Riêng trong thời kỳ cao điểm nắng nóng, ngành kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng tiếp tục tăng cường trực gác, giám sát người ra vào rừng, phát hiện sớm các điểm phát lửa để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện khống chế, dập tắt đám cháy không cho bùng phát ra diện rộng", ông Phan Thanh Tùng thông tin.