Thâm hụt thương mại của Hàn Quốc cao kỷ lục, nền kinh tế cận kề suy thoái

Nền kinh tế Hàn Quốc đang nhích dần tới cuộc suy thoái đầu tiên trong 3 năm, với số liệu công bố ngày 1/2 cho thấy mảng tối nhất trong bức tranh xuất khẩu ảm đạm tháng 1 của Hàn Quốc là cú giảm 44,5% của xuất khẩu linh kiện bán dẫn và mức giảm 31,4% của xuất khẩu sang Trung Quốc...

Theo tin từ Reuters, Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ 5 châu Á và có mức độ phụ thuộc lớn vào thương mại - chứng kiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm 0,4% trong quý 4/2022. Sự sụt giảm này đưa kinh tế Hàn Quốc ngấp nghé suy thoái lần đầu tiên kể từ giữa năm 2020 - thời điểm căng thẳng của đại dịch Covid-19.

Còn theo tờ The Korea Herald nhận định, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng thâm hụt cao kỷ lục của Hàn Quốc là do thực trạng xuất khẩu u ám của các "gã khổng lồ" công nghệ như Samsung và SK Hynix.

Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố hôm 1/2, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 1/2023 giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 46,27 tỷ USD.

Nhập khẩu giảm 2,6% xuống còn 58,96 tỷ USD. Thâm hụt thương mại trong tháng 1 tăng lên mức 12,69 tỷ USD, mức thâm hụt theo tháng cao nhất từ trước đến nay, đồng thời đánh dấu chuỗi thâm hụt thương mại dài nhất kể từ năm 1997 với 11 tháng liên tiếp.

“Tôi dự báo kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 0% trong quý 1 này, nhưng số liệu thương mại ngày hôm nay chắc chắn sẽ gây áp lực tăng trưởng âm”, chuyên gia kinh tế trưởng Park Sang-hyun của HI Investments and Securities nhận định.

Khả năng gia tăng về một cuộc suy thoái kinh tế - được định nghĩa là hai quý GDP giảm liên tiếp - cũng đẩy cao những đồn đoán trên thị trường tài chính rằng chiến dịch tăng lãi suất kể từ cuối năm 2021 của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) sắp đi đến hồi kết.

Mảng tối nhất trong bức tranh xuất khẩu ảm đạm tháng 1 của Hàn Quốc là cú giảm 44,5% của xuất khẩu linh kiện bán dẫn và mức giảm 31,4% của xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây đều là những mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

nhieu-quoc-gia-dang-thuc-day-san-xuat-chip-rieng-vi-an-ninh-quoc-gia-1675911921.jpgSự sụt giảm nhu cầu chất bán dẫn, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc giảm mạnh khiến thâm hụt thương mại nước này sẽ kéo dài. Ảnh minh họa

Xuất khẩu giảm 4 tháng liên tiếp đang làm suy yếu nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Hàn Quốc. Những thách thức thương mại đối với Hàn Quốc hiện nay phần lớn xuất phát từ tình trạng xuất khẩu chip nói riêng và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh.

Do giá bán và nhu cầu chip nhớ trên thị trường toàn cầu đều giảm, xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc trong tháng 1 vừa qua đã giảm 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 6 tỷ USD.

Ngày 31/1, Samsung Electronics - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới công bố báo cáo cho biết lợi nhuận hoạt động kinh doanh của hãng đã giảm 68,95% xuống còn 4.300 tỷ Won (3,5 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 10 - 12/2022, cho thấy nhu cầu suy giảm đối với chip nhớ. Đây là lần đầu tiên Samsung ghi nhận lợi nhuận kinh doanh theo quý dưới 5.000 tỷ Won kể từ quý III/2014.

SK Hynix cũng ghi nhận hoạt động kinh doanh ảm đạm. Nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ hai thế giới đã báo lỗ 1.700 tỷ won (1,35 tỷ USD) trong quý 4/2022, so với mức lãi 4.210 tỷ won (3,35 tỷ USD) cùng kỳ năm 2021. Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ qua SK báo lỗ trong hoạt động kinh doanh.

SK Hynix cho biết công ty này có kế hoạch giảm đầu tư và chi tiêu để đương đầu với những bất ổn của thị trường quốc tế. Trong khi đó, Samsung cho biết sẽ thu hẹp quy mô sản xuất và chi tiêu trong năm nay. Trên cơ sở nhận định rằng thị trường chip đang trải qua thăng trầm theo chu kỳ, cả Samsung và SK hynix đều hy vọng có thể phục hồi doanh số và lợi nhuận khi nhu cầu chip toàn cầu tăng lên.

Thi Nguyên (t/h)