VILOG 2024 đã thu hút sự tham gia của hơn 300 công ty, doanh nghiệp với 400 gian hàng đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm cùng nhau thúc đẩy kết nối toàn cầu hệ thống Logistics.
Cam kết phát triển bền vững với “Logistics xanh”
Trước những vấn đề môi trường đang đặt ra trong ngành khai thác cảng biển, thực hiện các mục tiêu toàn cầu, hoạt động khai thác cảng biển trên thế giới đang được “xanh hóa” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hoá” các ngành kinh tế, trong đó “phát triển logistics xanh” gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh được xem là tiêu chí quan trọng.
Trong thời gian vừa qua, Cảng Quốc tế Long An đã không nghừng nâng cao hiệu quả hoạt động, thích ứng “chuyển đổi số”, “chuyển đổi xanh” thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên, tối ưu quy trình, giảm thiểu rác thải, khí thải, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất.
Các công trình tại Cảng đã lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến (CATOS, MOST); Đội xe đầu kéo đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5 về giảm khí thải; Thiết bị cẩu sử dụng điện 100%; Nghiên cứu đưa vào sử dụng các trang thiết bị khai thác bằng điện hoặc pin tái tạo, hướng đến sử dụng điện bờ vào năm 2030.
Phát biểu tại buổi tiếp đón Đoàn đại biểu VILOG 2024, ông Võ Quốc Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Long An cho biết: “Cảng Quốc tế Long An đánh giá cao về quy mô tổ chức, cũng như khả năng quy tụ và sức ảnh hưởng của VILOG 2024. Xác định rõ mục tiêu sự kiện là trở thành nền tảng trung tâm dành cho các chuyên gia và các doanh nghiệp trong nghành, nghiên cứu các giải pháp tiên tiến và tạo dựng mạng lưới kết nối kinh doanh có giá trị; Cảng Quốc tế Long An kính mời quý Đối tác, quý Doanh nghiệp, Đồng nghiệp hãy cùng với chúng tôi, xây dựng những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và tiếp tục mở rộng vòng kết nối, hướng đến hoàn thiện chuỗi cung ứng Logistics cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung, xây dựng mạng lưới kinh doanh trên nền tảng hợp tác, đổi mới và tiến bộ, hướng đến Logistics Xanh và Phát triển bền vững ngành Logistics tại Việt Nam”.
Cảng Quốc tế Long An trở thành mắt xích quan trọng, hoàn thiện chuỗi Logistics khu vực
Với quan điểm của Chính phủ là huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm vào hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải. Trong đó, Cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải quốc gia, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tại địa phương.
Việc phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải hiện đại và đồng bộ là góp phần bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, kết nối hiệu quả các phương thức vận tải và phát huy tối đa lợi thế, phương thức chủ đạo vận tải hàng hóa khối lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa quốc tế, giảm chi phí Logistics, tối ưu nguồn tài nguyên của quốc gia, ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời hướng đến phát triển phương thức vận tải xanh, tiết kiệm và an toàn hơn.
Cảng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực Logistics và chuỗi cung ứng, không chỉ là điểm giao nhận hàng hóa quốc tế mà còn là trung tâm cho các hoạt động vận chuyển và phân phối. Sự ra đời của Cảng Quốc tế Long An với vị trí tại cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành mắt xích quan trọng để hoàn thiện chuỗi Logistics của khu vực. Từ đây, hàng hóa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tập kết và vận chuyển đi, đến khắp nơi trên thế giới./.