Bộ Công Thương giao đơn vị chức năng đánh giá để có giải pháp kiểm soát hoạt động của Sàn Temu

Bộ Công Thương đang giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá các tác động, khi có kết quả đánh giá, Bộ Công Thương sẽ đề ra giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động của Sàn Temu.
san-thuong-mai-dien-tu-temu-2-1729691550.jpg
Sự xuất hiện của Temu nối dài cuộc đổ bộ của các sàn thương mại điện tử bán lẻ xuyên biên giới đến Việt Nam thời gian qua. (Ảnh minh họa)

Temu đang “âm thầm” tiến vào thị trường Việt Nam

Thời gian gần đây, trên website của Temu Việt Nam, giá các sản phẩm đã được hiện thị bằng đồng Việt Nam và được khách hàng gắn “sao” để đánh giá. Quá trình giao hàng đến Việt Nam cũng chỉ mất 4-7 ngày và được miễn phí vận chuyển tất cả đơn hàng.

Sàn thương mại điện tử Temu nhanh chóng thu hút người tiêu dùng Việt nhờ cung cấp các sản phẩm có giá rẻ ở nhiều danh mục, từ đồ điện tử đến đồ gia dụng, thời trang… Điều đáng chú ý là nhiều mặt hàng rao bán trên Temu có giá rất rẻ, có sản phẩm được giảm giá 2-3 lần so với gia thành, hoặc được khuyến mại tới 90%. Ví dụ sản phẩm ủng đi mưa bằng cao su chống nước có giá bán giảm chỉ còn 24.530 đồng so với giá gốc là 109.340 đồng.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III tại Bộ Công thương chiều 23/10, trả lời về những diễn biến mới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, trước sự đổ bộ của hàng loạt sàn bán lẻ Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao…Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, theo Nghị định 85 của Chính phủ về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử muốn hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký theo quy định.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết cũng thấy “giật mình” vì thấy giá của họ quá rẻ. Tuy nhiên, trước mắt chưa thể khẳng định sản phẩm đó chất lượng ra sao, do đó cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể. “Bộ Công thương đang triển khai Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, giao cho Tổng cục Quản lý thị trường kiểm soát về vấn đề này", ông Tân nói.

san-thuong-mai-dien-tu-temu-1-1729691610.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - người phát ngôn Bộ Công Thương.

Về tác động từ các sàn TMĐT đến thị trường và các sàn khác đang hoạt động tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bộ đang giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá các tác động. Khi có kết quả nghiên cứu đánh giá, Bộ Công Thương sẽ đề ra giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động của Sàn Temu.

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), mặc dù trang thương mại điện tử Temu chưa công bố chính thức vào Việt Nam, nhưng người dùng Việt Nam vẫn có thể vào các cửa hàng trên điện thoại, tải app và mua hàng. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có đánh giá tác động từ việc bán hàng siêu rẻ của sàn này tại Việt Nam, cần phải có thêm thời gian.

Sàn bán hàng online giá rẻ xuyên biên giới Temu đang “âm thầm” tiến vào thị trường Việt Nam. Hiện phiên bản ra mắt của website Temu Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng và thanh toán bằng Google Pay, Visa, MasterCard...

Mua hàng giá rẻ trên Temu cũng tiềm ẩn một số rủi ro

Một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cho biết, Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings (công ty mẹ của Pinduoduo, một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.

Trang web Temu này kết nối người tiêu dùng, chủ yếu ở Mỹ, với các nhà sản xuất ở Trung Quốc, cho phép họ mua sản phẩm với mức giá thấp nhất.

Ở góc độ người mua hàng, nhiều ý kiến cho rằng việc mua hàng giá rẻ trên Temu cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Hiện tại, Temu chưa cho phép người dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng, nghĩa là người dùng phải thanh toán ngay khi đặt hàng, sau đó mới nhận sản phẩm. Temu chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, chưa hỗ trợ các loại ví điện tử phổ biến khác.

san-thuong-mai-dien-tu-temu-3-1729691653.jpg
Nhiều người lo ngại về khả năng hàng giả hàng nhái "thâm nhập" vào Temu với nhiều mức giá khác nhau. (Ảnh minh họa)

Chính vì không cho phép thanh toán khi nhận hàng, người dùng sẽ đối mặt với rủi ro mua hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng không đúng mô tả dù đã thanh toán từ trước. Do lượng người bán và sản phẩm trên Temu rất lớn nên sàn thương mại điện tử này không kiểm soát được chất lượng của các sản phẩm bán ra.

Bên cạnh đó cũng không loại trừ khả năng hàng giả hàng nhái "thâm nhập" vào Temu với nhiều mức giá khác nhau. Do vậy, người dùng có thể mua nhầm hàng giả, kém chất lượng mà không hay biết.

Khách hàng cũng nên lưu ý rằng mặc dù Temu có chính sách đổi trả sản phẩm và hoàn tiền, nhưng do đây là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, với đa số người bán đều từ Trung Quốc, nên quá trình đổi trả sản phẩm và hoàn tiền diễn ra không dễ dàng, mất nhiều thời gian.

Nhiều người dùng sau khi nhận ra mình mua hàng không đúng như mô tả, hàng giả, kém chất lượng, nhưng vì giá trị món hàng không quá lớn, lại ngại quá trình đổi trả hàng phức tạp nên đành chấp nhận mất tiền, thay vì tìm cách hoàn trả món hàng./.

PV