Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng VI (Tp.Hồ Chí Minh) lấy mẫu xét nghiệm, xác định virus gây bệnh; đồng thời, hướng dẫn nông dân xử lý ổ dịch theo quy định, không để dịch bệnh lây lan.
Tại ấp Tân Hòa, xã Tân Lập (huyện Tân Biên), dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên đàn lợn của hộ gia đình ông Cao Hoàng Phúc. Thời gian xuất hiện ca bệnh đầu tiên là ngày 21/9. Tổng đàn lợn bệnh là 21 con; trong đó, lợn nái 1 con, lợn thịt 20 con. Số lợn chết và tiêu hủy là 21 con; ngày 25/9, tại ấp Thanh Tân, xã Mỏ Công, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên đàn lợn của hộ gia đình ông Phan Xuân Sơn. Tổng đàn bị bệnh là 5 con, cả 5 con bị chết và tiêu hủy.
Tại ấp Cầu, xã Tân Phong, dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn của hộ gia đình ông Trương Thanh Tuấn được ghi nhận vào ngày 27/9. Tổng đàn lợn bị bệnh là 42 con. Số lợn chết và tiêu hủy 1 con, số lợn bệnh còn lại đang được theo dõi. Tại xã Tân Bình, huyện Tân Biên Dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn nuôi hộ ông Nguyễn Văn Hiếu vào ngày 27/9. Tổng đàn bị bệnh là 10 con. Số lợn chết và tiêu hủy 1 con, số còn lại đang được theo dõi.
Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với chính quyền huyện Tân Biên khoanh vùng, tiêu độc khử trùng nơi xảy ra dịch bệnh và môi trường xung quanh; hướng dẫn người dân tiêu hủy lợn bị bệnh đúng theo quy định; tăng cường giám sát địa bàn chặt chẽ để kịp thời nắm bắt thông tin dịch bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không được giấu dịch hoặc chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi khai báo kịp thời cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y gần nhất khi có gia súc bệnh, nghi bệnh để kịp thời xử lý.
Tỉnh cũng vận động nhân dân thực hiện “5 không” trong phòng, chống dịch (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển gia súc bệnh, gia súc chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc bệnh, gia súc chết; không vứt gia súc chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Chi cục tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại các xã có bệnh và các xã tiếp giáp với xã có dịch bệnh xảy ra; tăng cường kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn; kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ lậu.
Các trạm chăn nuôi và thú y rà soát số lượng đàn lợn trên địa bàn, đặc biệt là nơi biên giới, những ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao về dịch tả lợn châu Phi nhằm có kế hoạch chủ động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh./.