Tây nguyên không để tình trạng doanh nghiệp thiếu, nông dân thừa nông sản

Trước nhu cầu lớn về nguồn nguyên liệu của DOVECO, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng các tỉnh cần rà soát lại các vùng nguyên liệu để xây dựng những chuỗi mô hình liên kết với doanh nghiệp, có gắn với hoạt động của hợp tác xã, qua đó đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Sáng 25/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn trực tuyến Kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 – Diễn đàn nông sản 970 phiên thứ 4.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nắm rõ đầu mối nông sản để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp. "Không để tồn tại mâu thuẫn là địa phương nói còn hàng rất nhiều, nhưng doanh nghiệp lại kêu thiếu nguyên liệu sản xuất", Thứ trưởng nêu rõ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, địa phương chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Thời gian vừa qua, chúng ta rút ra được rất nhiều bài học. Dù dịch bệnh, khó khăn khi qua trạm kiểm soát, nhưng nếu doanh nghiệp có liên kết sản xuất thì vẫn bao tiêu sản phẩm bình thường cho nông dân.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nguồn hàng nông sản rất lớn, song vấn đề về logistics cần chính quyền vào cuộc với tinh thần "khó đâu gỡ đó". Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng toàn thế giới, nhu cầu nông sản của các nước đang tăng, do đó việc đáp ứng nguồn nguyên liệu là rất quan trọng.

Đối với thông tin về việc Trung Quốc áp dụng các chính sách mới liên quan đến nhập khẩu nông sản Việt Nam từ 01/01/2022, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ tổ chức các hội nghị trực tuyến để các doanh nghiệp xuất khẩu nắm được.

tay-nguyen-1632582377.jpg
nguồn: Báo Gialai


Về cây ăn quả, từ chỗ có khoảng 20.000 ha, đến nay Đắk Lắk đã có gần 40.000 ha, với sản lượng 220.000 tấn quả tươi. Ông Y Giang Gry Niê Knơng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, một số trái cây như bơ, sầu riêng với sản lượng lớn, thời gian bảo quản ngắn, trong khi tỉnh chưa có nhà máy chế biến, kho lạnh bảo quản trái cây quy mô lớn.

Thu hoạch các sản phẩm trên đúng thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, nhưng với các kế hoạch tiêu thụ, sự vào cuộc kịp thời của các đơn vị, chỉ đạo, hỗ trợ của các bộ, ngành nên đến nay, vấn đề tiêu thụ bơ, sầu riêng cơ bản được giải quyết.

Về giải pháp lâu dài, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, ông Y Giang Gry Niê Knơng mong muốn kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực: chế biến nông sản; liên kết sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm tươi như trái cây, rau, củ, quả; các dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Tỉnh sẽ tạo môi trường thông thoáng, điều kiện thuận lợi nhất để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội và thực hiện đầu tư vào Đắk Lắk.

Với diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, Gia Lai có hơn 800 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Ông Hồ Phước Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tuy bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng việc duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu tương đối thuận lợi nhờ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Khối lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gia tăng, đặc biệt cà phê, trái cây do các doanh nghiệp của tỉnh vẫn duy trì ưu thế tại các thị trường truyền thống.

Dịch COVID-19 làm ảnh hưởng không nhỏ việc tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp kết nối tiêu thụ nên đến nay nông sản cơ bản đã được tiêu thụ, tồn đọng không nhiều. Tuy nhiên, thời gian đến là thời vụ thu hoạch nhiều loại nông sản của tỉnh đang rất cần kết nối thị trường để tiêu thụ.

Ông Hồ Phước Thành cho rằng, cần có sàn kết nối các tổ công tác của các tỉnh để có mối quan hệ thường xuyên để kết nối người mua và người bán. Qua đây tạo nơi mua bán thường xuyên cho các bên có nhu cầu.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, các sản phẩm của Tây Nguyên có rất nhiều đặc sản và có mặt tại nhiều siêu thị lớn của cả nước. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm như sầu riêng, bơ thì nhiều người tiêu dùng còn chưa biết khi nào ăn được, ăn ngon nhất. Hay sản phẩm trái cây cần phải đảm bảo độ già để tránh ảnh hưởng đến uy tín của cả hai bên với người tiêu dùng.

“Muốn giải quyết được vấn đề này, cần có sự liên kết, tư vấn từ nhà sản xuất với nhà bán lẻ, khi thực hiện được điều này thì thương hiệu của cả 2 bên đều được nâng lên trong lòng người tiêu dùng”, bà Vũ Thị Hậu chỉ ra.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) thông tin, hiện ở Tây Nguyên, công ty chỉ có 11.000 ha diện tích trồng chanh leo cung cấp cho 4 nhà máy chế biến. Sắp tới tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng sẽ diễn ra. Chính vì vậy các địa phương, các đơn vị ở khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục trồng và phát triển chanh leo theo quy mô lớn.

DOVECO có 1.200 ha trồng dứa tại Gia Lai. Dứa trồng tại Tây Nguyên có đặc điểm ít sâu bệnh, năng suất cao. Với mức tiêu thụ từ 200-250 tấn dứa/ngày của DOVECO, thời gian tới công ty sẽ cung cấp giống và sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với những vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, DOVECO cũng đang có nhu cầu số lượng lớn đối các loại hoa quả như xoài, bơ… Công ty sẵn sàng cung cấp hợp đồng bao tiêu lâu dài cho các vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên.


Trước nhu cầu lớn về nguồn nguyên liệu của DOVECO, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng các tỉnh cần rà soát lại các vùng nguyên liệu để xây dựng những chuỗi mô hình liên kết với doanh nghiệp, có gắn với hoạt động của hợp tác xã, qua đó đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Tại diễn đàn, các tỉnh đều kiến nghị các bộ, ngành tạo điều kiện thu hút đầu tư tại địa bàn tỉnh, đặc biệt là các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp. Các địa phương sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.

Cũng tại diễn đàn, một số doanh nghiệp bao tiêu nông sản đã ký kết hợp tác với các địa phương và đơn vị ở khu vực Tây Nguyên. Điển hình như UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Kon Tum ký kết hợp tác kết nối cung cầu nông sản với hệ thống siêu thị MM Mega Maket; chuỗi cửa hàng Bác Tôm ký kết hợp tác với UBND tỉnh Gia Lai và Hợp tác xã Thành Đạt (Lâm Đồng); Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm, thuỷ sản Đắk Lắk ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam.../

Nguyễn Thị Bích Hồng