Theo nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành đã được xác định từ đầu năm, chủ động, kịp thời tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp trên những lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiên trì mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 đã đề ra.
Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao quán triệt đến từng đơn vị, cán bộ, công chức việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương trình Chính phủ trước ngày 25/5/2023 để xem xét, ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới và tập trung rà soát, tham mưu, đề xuất việc sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong điều kiện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương quản lý chặt chẽ các nguồn thu của ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên. Xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập trong việc chậm trễ thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, bền vững.
Tiếp tục nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất huy động
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước, tiếp tục nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cân bằng hợp lý, linh hoạt, hiệu quả với lạm phát, kịp thời thúc đẩy mở rộng tín dụng phù hợp với xu hướng lạm phát giảm và yêu cầu thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới; tiếp tục triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, thị trường tiềm năng; có giải pháp khôi phục và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, truyền thống; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, cùng Bộ Công Thương thúc đẩy khơi thông thị trường cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản; kiểm soát giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, nhất là thức ăn chăn nuôi; chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, nhu cầu của thị trường và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương, có biện pháp hữu hiệu, quản lý mã số vùng trồng đảm bảo hiệu quả sản xuất, lợi ích của người dân; tăng cường quản lý, vận hành bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, hạn hán.
Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể. Tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về phân cấp thẩm định công trình các dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, cấp phép xây dựng các dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất theo trình tự, thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xác định giá đất cụ thể áp dụng đối với trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể, trình Chính phủ ban hành trong quý II năm 2023; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo sớm tình hình hạn hán, thủy văn, thiên tai, biến đổi khí hậu...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ và có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, nhất là tại các khu công nghiệp để có phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Thực hiện hiệu quả các chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em, giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em nhất là tai nạn đuối nước ở trẻ em khi mùa hè đang đến gần.