Nhận định trong báo cáo mới nhất của tổ chức S&P Global cho thấy, sản xuất công nghiệp Việt Nam trong tháng 4 có dấu hiệu cải thiện. Các doanh nghiệp đang có tâm lý tích cực. Tuy nhiên, cần thận trọng với biến động bên ngoài.
Báo cáo nhận định, tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 4 tiếp tục chậm lại tháng thứ hai liên tiếp và đây là mức tăng thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế nhưng giảm 2,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,5%), làm giảm 1,5 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 4,1%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm.
Phân theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Cao Bằng tăng 26,3%; Lai Châu tăng 22%; Đắk Lắk tăng 21,9%; Tuyên Quang tăng 21%; Gia Lai tăng 17,5%; Hải Phòng tăng 15%; Quảng Ninh tăng 14,1%...
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất, phân phối điện hoặc ngành khai khoáng giảm giảm như: Quảng Nam giảm 33,4%; Bắc Ninh giảm 18,6%; Vĩnh Long giảm 16,1%; Sóc Trăng giảm 15,5%..