Tích cực gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón

Ngày 05/5/2023, tại Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã tổ chức Hội nghị Nhóm ngành Sản xuất Kinh doanh Phân bón năm 2023.

Dự Hội nghị có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường; Ban lãnh đạo; Trưởng, Phó các Ban chức năng thuộc Tập đoàn và lãnh đạo các công ty, đơn vị thành viên sản xuất phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Đồng chí Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Vinachem chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh quý I/2023, nhóm ngành sản xuất phân bón. Trong quý I, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) theo giá thực tế đạt 6.587 tỷ đồng, bằng 70% so với cùng kỳ năm 2022 (chiếm 57% giá trị SXCN toàn Tập đoàn); Doanh thu: đạt 6.762 tỷ đồng, bằng 65% so với cùng kỳ năm 2022 (chiếm 54% doanh thu toàn Tập đoàn); Tổng sản lượng các đơn vị đã sản xuất trong Quý I năm 2023 đạt 680 nghìn tấn phân bón các loại bằng 83% so với cùng kỳ năm 2022; đạt 22% kế hoạch cả năm 2023. Xuất khẩu phân bón đạt 51,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 41,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Tập đoàn. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị xuất khẩu tăng 29%. 

img-8748jpg-1683375904.webp
Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Nhìn chung, quý I/2023, kinh tế Việt Nam nói chung và các đơn vị sản xuất phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nói riêng cũng bị tác động và ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới. Bên cạnh đó từ cuối năm 2022 giá phân bón trên thế giới cũng như trong nước giảm rất sâu và nhanh, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tiêu thụ. Do đó, doanh thu cộng hợp của nhóm ngành sản xuất kinh doanh phân bón toàn Tập đoàn quý I năm 2023 giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022; giá trị sản xuất công nghiệp giảm 30%. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động quyết liệt triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, bằng sự nỗ lực của Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên, toàn Tập đoàn đã cố gắng tổ chức sản xuất kinh doanh theo kế hoạch đề ra. Một số đơn vị vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ quý I năm 2022 tận dụng được cơ hội, thời cơ thị trường, có lợi nhuận. Ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn tiếp tục suy giảm sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ, doanh số thấp hơn so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là hiệu quả thấp. Tình trạng thiếu quặng apatit cho sản xuất phân bón, hóa chất, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của một số đơn vị do phải dừng máy và sửa chữa máy móc thiết bị.

Qua trao đổi, các đại biểu đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc của đơn vị mình trong quá trình sản xuất kinh doanh như thiếu nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ, công tác phát triển sản phẩm mới, nhân công... và cùng nhau thảo luận, tìm ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó. 

Hội nghị xác định, để đạt được kế hoạch cả năm 2023 với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30.343 tỷ đồng (chiếm 55,6% Giá trị SXCN toàn Tập đoàn); Doanh thu đạt 31.865 tỷ đồng (chiếm 55,8% Doanh thu toàn Tập đoàn); Lợi nhuận lãi 1.480 tỷ đồng (chiếm 43% Lợi nhuận toàn Tập đoàn); Sản lượng sản xuất đạt 3.131.000 tấn; Sản lượng tiêu thụ đạt 3.015.000 tấn cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp trong công tác tuyển khoáng để ổn định chất lượng quặng tuyển, duy trì hiệu quả các nhà máy tuyển; Phát huy tối đa năng lực sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì sản xuất đáp ứng quặng apatit; Tăng cường năng lực vận hành, bảo trì hệ thống dây chuyền sản xuất đảm bảo sản xuất ổn định, phát huy tối đa công suất máy móc, giảm thiểu thời gian phải dừng máy do sự cố thiết bị; Bám sát biến động của thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hợp lý, cân đối giữa tiêu thụ và sản xuất, mua nguyên vật liệu đảm bảo ít bị ảnh hưởng khi có biến động giá nguyên vật liệu cũng như sản phẩm, tránh tồn kho; Cần tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có hàm lượng dinh dưỡng cao, phân hữu cơ, sản phẩm thích ứng với với biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng và định phát triển nông nghiệp xanh; Tập trung củng cố và phát triển thị trường chính trong nước. 

img-8756jpg-1683376019.webp
Đại biểu phát biểu ý kiến

Linh hoạt điều chỉnh trong các chính sách hỗ trợ tiêu thụ, thực hiện các cơ chế chính sách mới phù hợp với tình hình thị trường, đảm bảo lợi nhuận hài hòa giữa nhà sản xuất – nhà phân phối – người sử dụng, tạo mới quan hệ tương hỗ bền vững mang đến thị phần và lợi nhuận bền vững; Tìm kiếm đối tác xuất khẩu tại các thị trường mới. Củng cố  và hoàn thiện các kênh phân phối hiện có để tăng sản lượng xuất khẩu; Tập trung các nguồn lực tài chính phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh, đàm phán với các định chế tài chính để huy động vốn vay với lãi suất ưu đãi, có kế hoạch vay nợ phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hài hòa giữa an toàn vốn và đảm bảo đủ vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh; Đảm bảo không phát sinh nợ xấu, nợ khó đòi trong công tác bán hàng, quản lý chặt chẽ đối với các khoản chi tiêu, giảm thiểu tối đa các khoản chi phí không hợp lý; Tiết giảm chi phí trong sản xuất, xây dựng các biện pháp tăng cường tiết kiệm, giảm chi phí trong sản xuất như chi phí về năng lượng, định mức tiêu hao, chi phí sửa chữa thường xuyên, chi phí sửa chữa lớn, chi phí bán hàng, chi phí tài chính. Thường xuyên xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu trong định mức tiêu hao trong sản xuất để tránh lãng phí nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng. Kiểm soát toàn diện quy trình sản xuất hạn chế tối đa tỷ lệ sai hỏng sản phẩm; Tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho phép thực hiện các kiến nghị đề xuất tại các Đề án tái cơ cấu để tháo gỡ khó khăn cho các Dự án/Doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị thông qua ngay đầu quý II/2023.

img-8740jpg-1683375921.webp
Đồng chí Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn kết luận Hội nghị

Kết luận tại Hội nghị, ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chia sẻ những khó khăn và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón. Đồng thời đồng chí cũng đề nghị, trong những tháng tiếp theo các Ban chức năng của Tập đoàn cần bám sát các đơn vị, làm đầu mối nắm bắt, cập nhật thông tin, tạo mọi điều kiện tối đa cho đơn vị. Đồng thời đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị cần tăng cường công tác quản trị: quản trị chi phí, nguồn nhân lực, năng suất lao động, định mức tiêu hao... Đẩy mạnh công tác thị trường, đặc biệt lưu ý đến thị trường xuất khẩu và phát triển sản phẩm mới. Cần rà soát lại kế hoạch của mình để xem lợi thế của đơn vị mình để từ đó phát triển; Hết sức lưu ý và phải làm tốt công tác sửa chữa lớn, công tác an toàn môi trường và tiếp tục tăng tính liên kết giữa các đơn vị nhằm hỗ trợ lẫn nhau. Đồng chí cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam không để thiếu quặng cho các đơn vị sản xuất phân bón trong Tập đoàn./.

PV