Cụ thể, trong báo cáo công bố ngày 15/5, Aramco cho biết trong quý vừa qua, thu nhập ròng của hãng là 39,5 tỷ USD, tăng mạnh so với doanh thu 21,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, lợi nhuận của nhiều công ty năng lượng toàn cầu khác như Shell và BP cũng ghi nhận mức tăng cao kỷ lục trong ít nhất 10 năm trở lại đây.
Tập đoàn Saudi Aramco nhấn mạnh, thu nhập quý I/2022 của họ đã lập kỷ lục về thu nhập hàng quý kể từ khi IPO vào năm 2019 công của công ty. Công ty cho rằng doanh thu ngày càng tăng là do giá dầu cao và sản lượng bán ra, cũng như cải thiện tỷ suất lợi nhuận lọc dầu. Cổ tức của Saudi Aramco cho quý 1 sẽ lên tới 18,8 tỷ USD.
Dòng tiền tự do của công ty trong kỳ báo cáo lên tới 30,6 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2021. Khối lượng chi tiêu vốn của công ty đã giảm xuống còn 7,6 tỷ USD so với 8,2 tỷ USD của năm trước.
Lý giải cho việc lợi nhuận tăng cao ở trên, các doanh nghiệp cũng như giới phân tích nhận định là do giá dầu cũng như giá nhiều mặt hàng khác liên tục leo thang. Giá dầu thô Brent kết thúc quý đầu tiên năm nay tăng gần 70% lên 107,91 USD/thùng.
Theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), không chỉ xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân khiến giá dầu tăng phi mã, mà tình trạng phong tỏa tại một số thành phố lớn tại Trung Quốc, bao gồm trung tâm tài chính Thượng Hải cũng tác động tiêu cực đáng kể đến thị trường năng lượng.
"Quan điểm của chúng tôi là giá dầu Brent sẽ thấp hơn trong nửa cuối năm. Chính vậy chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của Aramco sẽ tăng trở lại và quý 2 sẽ đạt mức cao nhất", Yousef Husseini, Phó Giám đốc Nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại EFG Hermes cho biết.
Trước đó 4 ngày, Aramco đã "soán ngôi" của tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ để trở thành công ty có giá trị vốn hóa trên thị trường cao nhất thế giới, đạt 2.420 tỷ USD, trong khi giá trị của "Trái táo cắn dở" là 2.370 tỷ USD. Trong tháng 3 vừa qua, Aramco thông báo lợi nhuận ròng tăng 124% trong năm 2021.
Saudi Arabia đã chứng kiến ngành dầu mỏ bùng nổ với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong một thập kỷ qua. Mức sản xuất hydrocacbon trung bình của Saudi Aramco trong quý 1 lên tới 13 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày.