Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 17/2, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nội dung trên nhằm từng bước hiện thực hóa chủ trương được nêu trong Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị.

Trước đó, vào sáng 15/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
5 "cơ chế đặc biệt" để gỡ vướng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh để thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt, chứ không chỉ là đặc thù.
Theo tờ trình của Chính phủ, Nghị quyết được xây dựng và ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, sẽ có một số cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội.
Phát biểu thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.
Để tháo gỡ vướng mắc về thể chế liên quan, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung sửa một loạt các luật như: Luật Ngân sách nhà nước, các luật thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ…; một số luật có thể trình tại Kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 này.
Tuy nhiên, để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống ngay, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dự thảo Nghị quyết tập trung tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đang rất cần thiết để thực hiện Nghị quyết 57 nên cũng chưa bao trùm, toàn diện hết các vấn đề; do đó sau khi ban hành Nghị quyết này cần tiếp tục sửa các luật khác.

Cho rằng phải có các chính sách cụ thể hơn thì mới thực hiện được Nghị quyết 57, mới thực sự là đổi mới, Thủ tướng nhấn mạnh cần nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách đặc biệt chứ không chỉ là đặc thù, đặc thù thì ở một cấp khác. Sự đặc biệt này thể hiện ở một số điểm.
Trước hết, Thủ tướng nhắc tới "cơ chế đặc biệt" trong phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bởi hạ tầng của chúng ta đang còn rất yếu. Trong khi nguồn lực cần rất lớn, vì vậy ngoài nguồn lực Nhà nước, phải có cơ chế để huy động nguồn lực hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, từ xã hội và người dân.
Thứ hai, cần "cơ chế đặc biệt" cho quản lý, quản trị hoạt động khoa học công nghệ, trong đó có các hình thức: lãnh đạo công và quản trị tư; đầu tư công và quản lý tư; đầu tư tư nhưng sử dụng công.
"Ví dụ trong đầu tư công và quản lý tư, có thể đầu tư cho một hạ tầng khoa học công nghệ của Nhà nước nhưng giao cho tư nhân quản lý. Cơ chế đặc biệt là như thế. Hay lãnh đạo công tức là chúng ta thiết kế chính sách, pháp luật, công cụ giám sát, kiểm tra, còn lại quản trị thì giao cho doanh nghiệp", Thủ tướng phát biểu.
Thứ ba, Thủ tướng cũng cho rằng cần "cơ chế đặc biệt" cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa các công trình khoa học; "cơ chế đặc biệt" trong thủ tục, phân cấp, phân quyền cho tỉnh, thành phố, bộ, ngành; xóa bỏ cơ chế xin-cho, giảm thủ tục hành chính..., quản lý, đánh giá trên cơ sở hiệu quả tổng thể.
Thứ tư, đề cập đến vấn đề miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro đối với người soạn thảo, xây dựng chính sách nhưng chưa có cơ chế miễn trừ cho người thực hiện, Thủ tướng đánh giá đây là vấn đề khó, vì tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nếu không có cơ chế bảo vệ người thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng sợ trách nhiệm, "chuyển chỗ này, chỗ khác", "không muốn làm vì không được bảo vệ". Do đó, cần thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho cả người tổ chức thực hiện và người thiết kế chính sách.

Thứ năm, Thủ tướng cũng nhắc đến "cơ chế đặc biệt" trong thu hút nguồn nhân lực, không chỉ để thu hút người làm ngoài khu vực Nhà nước vào khu vực Nhà nước, mà còn phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ, thu hút nhân lực nước ngoài vào Việt Nam để góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Các chính sách sẽ gồm thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, chỗ ở, visa và hợp đồng lao động...
Từ các "cơ chế đặc biệt" nêu trên, Thủ tướng cho rằng cần thiết kế "công cụ đặc biệt" để quản lý, phát huy hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch, không xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Thủ tướng chia sẻ trong quá trình nghiên cứu khoa học, những đột phá có thể thành công, nhưng cũng có những thất bại, do đó cần chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Thủ tướng cho rằng, có thể xem những thất bại hay độ trễ đó như là "học phí" phải trả để có thêm kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ, tuy nhiên, cũng phải loại trừ động cơ cá nhân, không vụ lợi mà phải vô tư, trong sáng, vì lợi ích chung của đất nước.
Rộng mở con đường phát triển của khoa học và công nghệ
Phát biểu thảo luận tại Tổ 3 (gồm các đoàn đại biểu Quốc hội: Bắc Giang, Nghệ An và Đắk Nông), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57/NQ-TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đây là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; được đánh giá rất cao và tạo ra một sự hứng khởi trong toàn xã hội vì đã đề cập đến một vấn đề rất quan trọng, rất thiết yếu của đời sống xã hội, đó là vấn đề khoa học và công nghệ số hiện nay.
Cách tiếp cận của Nghị quyết số 57 đối với một vấn đề hết sức quan trọng này là hoàn toàn mới so với các nghị quyết khác, bởi vì rất rõ việc, nhìn vào đó người ta thấy rộng mở con đường phát triển của khoa học và công nghệ.
"Nghị quyết 57 tuyệt vời như vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải được đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Muốn vậy phải luật hóa, thể chế hóa để được thực thi sâu rộng, hiệu quả trên thực tế, thực tiễn cuộc sống", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, quá trình luật hóa, cụ thể hóa này sẽ được chia làm hai bước. Bước thứ nhất là chúng ta xây dựng một nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể là Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; việc làm này rất cấp bách, rất khẩn trương để đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống. Nghị quyết này của Quốc hội không thể giải quyết được hết những vấn đề mà Nghị quyết 57 đặt ra nhưng có ý nghĩa quan trọng trong tháo gỡ những điểm nghẽn đang tồn tại; việc tháo gỡ này là hết sức cấp bách, đây cũng là sự chờ đợi của các nhà khoa học, các doanh nghiệp để làm sao cho khoa học bứt lên.
Bước thứ hai căn cơ hơn là chúng ta phải sửa nhiều các đạo luật liên quan để tháo gỡ cho phát triển khoa học, công nghệ trên tinh thần xem xét tổng thể, bàn một cách căn cơ, bài bản, chiến lược hơn.
Quay lại câu chuyện bước một đang được bàn tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng cần phải tìm hiểu, xem xét kỹ các doanh nghiệp, nhà khoa học đang vướng chuyện gì thì tập trung mạnh vào gỡ chuyện đó để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống và khoa học có cơ hội phát triển nhanh.
Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, có 2 mảng lớn. Cụ thể, mảng thứ nhất là mảng khoa học công nghệ và mảng thứ hai là mảng chuyển đổi số.
"Khoa học công nghệ của chúng ta đang vướng những chuyện gì, những vấn đề mà Chính phủ chọn ở đây chưa chắc đã giải hết được những vấn đề đặt trong bài toán của thực tiễn và chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu nhưng từ tổng kết thực tiễn, từ phản ánh của các nhà khoa học và từ những vấn đề các địa phương phản ánh thì Chính phủ lựa chọn ra những điểm nghẽn mà chúng ta phải tập trung tháo gỡ", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Đề cập đến những đột phá trong dự thảo Nghị quyết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, dự thảo đã quy định cho phép nhà khoa học sử dụng kết quả nghiên cứu của mình và thương mại hóa kết quả nghiên cứu này để có thể đưa vào cuộc sống ngay, hiện thực hóa ngay kết quả nghiên cứu của mình trong thực tiễn, đây là một đột phá, một bước tiến rất lớn.
Bên cạnh đó, dự thảo có quy định về miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp rủi ro. "Chúng ta phải sẵn sàng, không chỉ trong khoa học mà kể cả trong kinh doanh cũng thế, phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro như một bước của quá trình hoàn thiện để lần sau chúng ta làm tốt hơn, để chúng không vấp lại nữa, đúng là làm khoa học thì cũng có rất nhiều rủi ro. Nghị quyết 57 đưa ra một nguyên tắc là quản lý khoa học là quản lý mục tiêu chứ không phải quản lý quá trình và chúng ta phải hiện thực hóa tư tưởng đó, quan điểm đó", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu vấn đề.

Đột phá nữa là chú trọng huy động các nguồn lực của xã hội cho nghiên cứu khoa học, không phải chỉ trông cậy vào Nhà nước. Doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học được khuyến khích bằng cách cho phép tính chi phí nghiên cứu khoa học vào chi phí sản xuất và miễn trừ, giảm trừ nhiều loại thuế liên quan. Đây là cách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và cũng là một cách tạo ra sự đột phá. Hay là những chính sách khác như về khoán chi, cũng rất đột phá và rất nổi trội, loại trừ rất lớn những thủ tục hành chính đối với nhà nghiên cứu khoa học. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng: "Việc này rất đỡ cho nhà khoa học, đôi khi kết quả nghiên cứu chỉ mỏng trăm trang nhưng hồ sơ thanh toán có khi lại dày cả gang. Cách khoán này đã loại trừ các thủ tục mà các nhà khoa học vốn rất giỏi về khoa học nhưng lại thường rất dở về thanh toán".
"Trên đây là những ưu việt của các chính sách mà chúng ta đề ra trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội lần này, có thể còn có điều gì đó chưa đủ, thì mong các đại biểu trao đổi, bổ sung thêm", Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ.
Phần thứ hai là nội dung về chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, chúng ta cũng đã có một nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia và nhấn mạnh, chuyển đổi số ngày nay là xu thế toàn cầu. Công nghệ số đã làm biến đổi thế giới, nâng cao năng lực quản trị và năng suất lao động của toàn xã hội và năng lực quản trị quốc gia và chúng ta cũng không còn sự lựa chọn nào khác phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy chuyển đổi số.
Chuyển đổi số có rất nhiều vấn đề và cũng đã được các đại biểu Quốc hội đề cập, trong đó có vấn đề liên quan đến thể chế về số, hạ tầng về số, nhân lực về số, an ninh an toàn về số. Đấy là bốn thành tố cốt lõi của chuyển đổi số quốc gia.
Hiện nay có 2 hạ tầng quan trọng nhất trong hạ tầng là đường truyền và AI. Đây là lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, nút thắt để thúc đẩy phát triển, nhất là ứng dụng công nghệ trong phát triển hệ thống đường truyền, trong đó có các chính sách ưu đãi trong phát triển các đường truyền vệ tinh.
"Để tạo ra hạ tầng số một cách bài bản, đầy đủ thì những điểm trên đã đủ chưa? Báo cáo với các đồng chí là chưa đủ nhưng với Nghị quyết đang được xây dựng này thì trước mắt chúng ta chọn những vấn đề quan trọng nhất để chúng ta đưa vào nhằm tập trung tháo gỡ, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh./.