Tăng trưởng xanh đang là thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp

Thúc đẩy tăng trưởng xanh đang là một trong những vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; trong đó, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Theo phân tích của các chuyên gia, nhận thức về chuyển đổi xanh của Việt Nam ngày càng được nâng lên, từ ý tưởng đã biến thành những hành động cụ thể. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

doanh-nghiep-tang-truong-xanh-02-1716772706.jpg
Thúc đẩy tăng trưởng xanh đang là một trong những vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp không thể đứng ngoài xu hướng tăng trưởng xanh

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết phát triển xanh đã trở thành xu hướng bao trùm trên phạm vi toàn cầu và doanh nghiệp không thể đứng ngoài "cuộc chơi."

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các chủ trương nhằm hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực hiện các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG); đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý liên quan đến thúc đẩy và thực hành ESG, đặc biệt là liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

"Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư, để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh và nhất là để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức," Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, thúc đẩy tăng trưởng xanh đang là một trong những vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; trong đó, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.

"Các doanh nghiệp lớn đều tích hợp tiêu chí ESG trong quá trình phát triển và đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đi dài hơi," Thứ trưởng cho biết.

doanh-nghiep-tang-truong-xanh-01-1716772792.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc. (Ảnh: TTXVN)

Ở Việt Nam tăng trưởng xanh, hướng đến thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường, công bằng xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà là để bắt kịp xu thế thế giới, nhằm thực hiện cam kết mang tính bước ngoặt lịch sử là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Việt Nam cũng đang trong quá trình phát triển, vì vậy cần giải bài toán vừa phải giữ nhịp độ tăng trưởng cao, nhưng vẫn phải phát triển bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng doanh nghiệp Việt nếu muốn tiếp tục tham gia vào các thị trường lớn, phải nhận diện được những quy định liên quan đến ESG, nếu không sẽ đánh mất tiềm năng hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế. Thực hành ESG cũng như triển khai các mô hình kinh doanh bền vững và tăng trưởng xanh nói chung, không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện bắt buộc. Nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam hiện nay đều đã có những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề này.

Bài toán tăng trưởng đối với cộng đồng doanh nghiệp vốn chưa bao giờ dễ dàng, nay càng trở nên thách thức hơn. Đạt được mục tiêu tăng trưởng tự thân nó đã là thách thức lớn, song tăng trưởng phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm với xã hội gắn với thực hành quản trị tốt dường như càng là vấn đề nan giải. Bởi đi kèm là chi phí gia tăng, các điều kiện hoạt động trở nên khắt khe và phức tạp khiến lợi nhuận giảm sút, khả năng cạnh tranh yếu hơn.

Cần nhiều công cụ chia sẻ gánh nặng cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Tại Việt Nam, ESG ngày càng được quan tâm rộng rãi, phần lớn là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy thực hành các thông lệ liên quan đến ESG và sự gia tăng nhu cầu của nhà đầu tư với đầu tư bền vững.

Báo cáo ESG tại Việt Nam do PwC công bố năm 2022 cho thấy 80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết ESG trong vòng 2 đến 4 năm tới. Do đó, việc công bố dữ liệu và báo cáo ESG sẽ trở nên phổ biến hơn và sẽ trở thành xu thế không thể đảo ngược trong tương lai.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường, cho biết việc thực hiện ESG là yêu cầu bắt buộc, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang theo hướng khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ.

Khi tham gia thực thi ESG thì chắc chắn gánh nặng sẽ đặt lên vai doanh nghiệp theo nguyên tắc chung là người phát thải phải trả phí. Chính vì vậy, xuyên suốt Luật Bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp đã thay đổi cách tiếp cận, trong đó không chỉ nhà nước hỗ trợ mà còn có công cụ thị trường. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để áp dụng công cụ thị trường đó là thị trường tự điều tiết.

doanh-nghiep-tang-truong-xanh-03-1716772839.jpg
Nhận thức sự cần thiết của ESG trong doanh nghiệp ngày càng gia tăng, nhưng làm thế nào và làm từ đâu, có lợi ích gì hơn không, thì hiện nhiều doanh nghiệp chưa rõ. (Ảnh minh họa)

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng nhận thức sự cần thiết của ESG trong doanh nghiệp ngày càng gia tăng, nhưng làm thế nào và làm từ đâu, có lợi ích gì hơn không, thì hiện nhiều doanh nghiệp chưa rõ. Hiện, trong cả 3 yếu tố ESG thì yếu tố G (Quản trị) là khó khăn mệt mỏi nhất. Khi đến doanh nghiệp, chúng tôi rất muốn cải thiện quản trị doanh nghiệp tại đó nhưng còn nhiều khó khăn và gặp rất nhiều lực cản.

Phó cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết hiện đã có chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh nhưng còn nhiều điều cần phải làm để cụ thể hóa thực hiện mục tiêu đề ra để đạt được Net Zero 2050. Hiện, người tiêu dùng hiện đã nâng cao nhận thức trong việc chọn dịch vụ để hưởng ứng và bảo vệ môi trường.

Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ hệ thống phân ngành kinh tế xanh; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi; nỗ lực hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp trách nhiệm xã hội và các doanh nghiệp tư nhân có thực hành ESG tốt.

Những rào cản chính đối với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất từ “nâu” sang “xanh” được chỉ ra như: Sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết.

Trong quá trình chuyển đổi đó, sự nỗ lực của doanh nghiệp là rất quan trọng, nhưng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần rõ ràng, minh bạch và phải coi doanh nghiệp là trung tâm. Việc hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả sẽ góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và giúp Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” các quốc gia trong khu vực.

“Tiêu chí phân loại xanh của Việt Nam hiện nay được xây dựng hài hòa với tiêu chuẩn của châu Âu và hài hòa với quy định của Ngân hàng Thế giới cũng như AFC và các tổ chức tài chính khí hậu khác. Vì vậy, nếu doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí xanh của Việt Nam thì cũng sẽ đáp ứng được tiêu chí xanh của các tổ chức tài chính trên thế giới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính xanh toàn cầu”, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ nhận định./.

Trọng Bình