Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2022 đạt 7,72%, lạm phát kiểm soát ở mức phù hợp

Sáng 29/6, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II/2022 và 6 tháng đầu năm 2022. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chủ trì họp báo.

GDP quý II/2022 ước tăng 7,72%

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam trong quý II/2022 và 6 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

z3529055675122-cf2ae109361f28faf5d49cb16adbf446-1656492200.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chủ trì họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II/2022 và 6 tháng đầu năm 2022. (Ảnh: Minh Phương)

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70% (đóng góp 48,33%). Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%. khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%).

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê cũng cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2022 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái; số lượt hành khách vận chuyển tăng 80,1% và luân chuyển tăng 125,8%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 40,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6%; 50,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 43,0%; gần 24,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; 8,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13,6%.

Nguyên nhân CPI tăng 2,96%

CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Chỉ ra các yếu tố làm tăng CPI trong quý II/2022, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, bình quân quý II/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 54,92% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,98 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân quý II/2022 giá gas tăng 30,99% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm.

Cùng với đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý II/2022 tăng 7,81% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, quý II/2022 tăng 1,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý II/2022; đó là: giá thịt lợn bình quân quý II/2022 giảm 18,65% so với cùng kỳ năm trước do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, nguồn cung thịt lợn đảm bảo, làm CPI giảm 0,63 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ giáo dục quý II/2022 cũng giảm 2,86% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm CPI giảm 0,16 điểm phần trăm.

Giá thuê nhà ở quý II năm nay giảm 12,33% so với cùng kỳ năm trước do từ 6 tháng cuối năm 2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà, tác động làm CPI giảm 0,06 điểm phần trăm.

ts-nguyen-quoc-viet-xuat-khau-cua-khoi-fdi-gop-phan-dao-chieu-tang-truong-kinh-te-1-1656492200.jpg
Kinh tế-xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 vẫn duy trì kết quả khá tích cực trên nhiều lĩnh vực. (Nguồn: Zing)

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin, lạm phát cơ bản tháng 6/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

7 trọng tâm cần lưu ý

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của hầu hết các quốc gia, bức tranh kinh tế-xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 vẫn duy trì kết quả khá tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,42%, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bà Hương nhận thấy, bước sang quý III/2022, kinh tế-xã hội còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, lạm phát cao trên toàn cầu…

Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo đời sống của nhân dân, cần tập trung 7 trọng tâm. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “sống chung an toàn với dịch Covid-19”; tích cực triển khai tiêm vaccine kịp thời, an toàn, hiệu quả cho trẻ em từ 5-12 tuổi và mũi bổ sung tăng cường cho người lớn.

Thứ hai, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022 và đầu năm 2023; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giao kế hoạch, giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh.

Thứ tư, đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung.

Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản;

Có chính sách thắt chặt các quy định về truy xuất nguồn gốc của các mặt hàng nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống.

Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch; chuẩn bị tốt các hạ tầng để đón các đoàn khách du lịch quốc tế dịp cuối năm.

Thứ sáu, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thứ bảy, tăng cường thông tin, tuyên truyền các hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam, nêu gương các tấm gương người tốt, việc tốt; ngăn chặn, triệt phá các thông tin xấu, sai sự thật gây hoang mang cho người dân.