Tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác thủy hải sản bất hợp pháp

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh công tác chống khai thác IUU là công việc quan trọng, trọng tâm của cả hệ thống chính trị; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, vừa tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Chiều 17/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển để triển khai các giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" IUU theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC).

go-the-vang-ec-2-1718633561.jpg
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển để triển khai các giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" IUU theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC). (Ảnh: VGP)

Chống khai thác IUU chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU), sau gần 7 năm (kế từ ngày 23/10/2017) thực hiện nhiệm vụ gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; qua 4 đợt thanh tra của EC (lần thứ 1 vào tháng 10/2023), đến nay tình hình chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Khung pháp lý đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC, mới nhất, ngày 12/6/2024, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động của tàu cá đã đạt được một số kết quả. Trong đó, tính đến nay, số lượng tàu cá từ 15m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 98,25%... Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đã được triển khai chặt chẽ hơn. Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU được tăng cường hơn trước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ chuyển biến còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC.

go-the-vang-ec-1-1718633651.jpg
Phó Thủ tướng đánh giá cao và khuyến khích các địa phương ban hành chính sách riêng của địa phương mình để hỗ trợ công tác chống IUU. (Ảnh: VGP)

Về nguyên nhân, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, người đứng đầu tại một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Từ đó dẫn đến kết quả triển khai tại địa phương chuyển biến rất chậm, không đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.

Các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc trong việc thi hành công, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU được giao. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân, vì lợi ích kinh tế cá nhân cố tình dùng mọi thủ đoạn để đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tình trạng môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài tồn tại nhiều năm, tuy nhiên kết quả điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử còn chưa kịp thời, đảm bảo răn đe…

Việc bố trí nguồn, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại địa phương trong việc theo dõi, kiểm soát ngăn chặn ngay từ trong bờ và giám chặt chẽ tàu cá khi xuất nhập bến, hoạt động trên biển, cũng như công tác điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm còn rất hạn chế, chưa kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; các vụ việc bị xử phạt nhưng mức độ thi hành rất ít dẫn đến không đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp

Ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, triển khai chống khai thác IUU của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh công tác chống khai thác IUU là công việc quan trọng, trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các văn bản khác có liên quan.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

go-the-vang-ec-3-1718633536.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu trước mắt Cục Kiểm ngư Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền rộng khắp, mạch lạc về Nghị quyết 04. (Ảnh minh họa)

Phó Thủ tướng yêu cầu vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, vừa tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền nội dung của Nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao tới người dân, ngư dân bằng các hình thức trực quan, sinh động.

Các địa phương triển khai cao điểm chống khai thác IUU trong thời gian còn lại, trước khi Đoàn thành tra của EC sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5. Các địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, mở đợt cao điểm tuyên truyền đến người dân, ngư dân về công tác thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tiếp tục quyết liệt trong truy xuất nguồn gốc thủy hải sản ra, vào các cảng cá; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tàu cá;…

Bên cạnh đó kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU./.

Bình Châu