Cuộc chiến chống khai thác IUU: Cần sự hợp tác của các quốc gia và nỗ lực của cộng đồng quốc tế

PSMA là công cụ đầu tiên và cho đến nay là công cụ mang tính ràng buộc pháp lý duy nhất ở cấp độ quốc tế, nhằm ngăn chặn sản lượng đánh bắt IUU tiếp cận thị trường. Có hiệu lực vào ngày 5/6/2016, PSMA cũng hướng đến mục tiêu bảo tồn lâu dài và khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển cũng như hệ sinh thái biển. Cho đến nay, 78 quốc gia đã ký tham gia thỏa thuận nói trên.
quoc-te-chong-khai-thac-iuu-01-1717575428.jpg
Việc triển khai PSMA thành công đòi hỏi sự hợp tác của các quốc gia cũng như cam kết và nỗ lực của cộng đồng quốc tế. (Ảnh minh họa)

Khai thác và đánh bắt hết công suất tại gần 90% trữ lượng thủy sản thế giới

Nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản trên toàn cầu tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới do gia tăng dân số và nhu cầu tăng do nhận thức về lợi ích sức khỏe từ việc tiêu thụ loại thực phẩm này.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức đang đặt ra mối đe dọa đối với sự bền vững của nguồn lợi thủy sản và môi trường biển. Vì vậy, điều cấp thiết lúc này là cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa để thông qua và triển khai Thỏa thuận về biện pháp các quốc gia có cảng (PSMA) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO).

Theo số liệu năm 2022 của FAO, mức tiêu thụ thủy hải sản trên toàn cầu đã tăng gấp đôi so với cách đây 50 năm. Sự gia tăng này đã đẩy sản lượng thủy sản toàn cầu tăng 4 lần trong ít nhất 50 năm qua, kéo theo hoạt động khai thác và đánh bắt hết công suất tại gần 90% trữ lượng thủy sản thế giới.

Khai thác và đánh bắt quá mức đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự bền vững của nguồn lợi thủy hải sản, phá vỡ sự đa dạng sinh học hoặc làm suy yếu các chức năng của hệ sinh thái mà hệ quả tồi tệ nhất là nguy cơ “xóa sổ” nguồn lợi thủy sản.

quoc-te-chong-khai-thac-iuu-02-1717575446.jpg
Theo số liệu năm 2022 của FAO, mức tiêu thụ thủy hải sản trên toàn cầu đã tăng gấp đôi so với cách đây 50 năm.(Ảnh minh họa)

Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực quốc gia và khu vực trong bảo tồn hệ sinh thái biển và mục tiêu phát triển nghề cá bền vững là tình trạng đánh bắt quá mức là hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Trong khi đó, sự tồn tại các cảng biển cho phép tàu cá khai thác IUU cập bến và đưa sản lượng đánh bắt cá bất hợp pháp vào thị trường nội địa vẫn là vấn đề nhức nhối.

PSMA là công cụ đầu tiên và cho đến nay là công cụ mang tính ràng buộc pháp lý duy nhất ở cấp độ quốc tế, nhằm ngăn chặn sản lượng đánh bắt IUU tiếp cận thị trường.

Có hiệu lực vào ngày 5/6/2016, PSMA cũng hướng đến mục tiêu bảo tồn lâu dài và khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển cũng như hệ sinh thái biển. Cho đến nay, 78 quốc gia đã ký tham gia thỏa thuận nói trên.

Việc triển khai PSMA thành công cần sự cam kết và nỗ lực quốc tế

Trong tương lai, khi tất cả các nước trên thế giới đều tham gia thỏa thuận này thì công cụ này sẽ được thực thi trên phạm vi rộng lớn hơn, góp phần chặn đứng hoạt động đánh bắt IUU.

Đối với Indonesia, quốc gia Đông Nam Á này đã chỉ định 4 cảng trong nước áp dụng các biện pháp của PSMA. Tất cả tàu cá nước ngoài muốn cập cảng Indonesia cần được một trong những cảng trên cấp phép trước khi đi vào vùng lãnh hải của nước này để trung chuyển, bốc dỡ và chuyển thủy hải sản vào thị trường nội địa, thay đổi thủy thủ đoàn và tiếp liệu.

Việc triển khai PSMA thành công đòi hỏi sự hợp tác của các quốc gia cũng như cam kết và nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Indonesia đang gặp phải 3 khó khăn chính trong việc triển khai thỏa thuận trên.

quoc-te-chong-khai-thac-iuu-03-1717575552.jpg
Toàn ngành thủy sản Việt Nam đang triển khai đồng bộ các kế hoạch theo đúng 4 khuyến cáo của EC, đặc biệt là về khung pháp lý. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, năng lực hạn chế của đội ngũ thanh tra tại cảng PSMA để có thể nhanh chóng đưa ra đánh giá ngay sau khi nhận được thông báo về tàu cá nước ngoài chuẩn bị cập cảng.

Một trong những nguyên nhân chính là phần lớn tàu cá thường cung cấp giấy tờ giả mạo về giấy phép cập cảng hoặc những loại giấy tờ khác cũng như lịch trình trung chuyển bốc dỡ hàng.

Thứ hai, tốc độ triển khai PSMA hạn hẹp do chỉ áp dụng đối với 4 cảng trong tổng số 567 cảng cá và 2,439 cảng thương mại trên khắp Indonesia, tức chiếm chưa đầy 0,2% tổng số cảng của quốc gia Đông Nam Á này. Điều này cũng làm suy giảm nỗ lực quốc gia trong cuộc chiến chống khai thác IUU.

Thứ ba, cho đến nay, PSMA mới được áp dụng đối với chưa đầy 3% cảng toàn cầu đối với cả tàu cá nội địa và nước ngoài. Trong khi đó, PSMA không thể đạt được mục tiêu khi chưa thể ngăn chặn mọi ngả tiếp cận của tàu cá IUU.

Bên cạnh đó, trao đổi thông tin ở cấp độ toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước tham gia PSMA phát hiện kịp thời và xử lý các hoạt động đánh bắt IUU cũng như những tội phạm khác liên quan.

Vì vậy, điều quan trọng hơn cả lúc này là cộng đồng quốc tế cần hợp sức và tham gia PSMA khi đây dường như vẫn là một trong những công cụ hiệu quả nhất để đẩy lùi thủy hải sản đánh bắt IUU ra khỏi thị trường./.

Bình Nguyên