Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông, thủy sản sang Nhật Bản

Thị trường Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Không chỉ hợp khẩu vị với người Nhật Bản, lợi thế của các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam là được giảm thuế theo lộ trình bởi các FTA đã ký nên giá cả rất cạnh tranh.

5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt kỷ lục 9,3 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Nhật tăng mạnh nhất.

Ngành nông nghiệp chỉ chiếm 1,1% tỷ trọng GDP của Nhật Bản, trong khi dân số 125 triệu người với nhu cầu về lương thực, thực phẩm khá lớn, đây là thị trường không thể bỏ qua của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cần chú ý tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường này. Đây là nội dung chính trong Hội thảo Cơ hội từ Hiệp định RCEP để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được tổ chức ngày 5/7.

Là đơn vị đầu tiên phân phối vải thiều Việt Nam tại Nhật Bản, đến nay loại quả này đã được đông đảo người Nhật yêu thích. Từ đầu mùa đến nay, toàn hệ thống đã tiêu thụ 25 tấn vải tươi. Không chỉ vải, nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đánh giá cao.

vai-thieu-2-15932392184931767635758-1644488004660176604620-1657078059.jpg
Vải thiều Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật Bản. Ảnh VGP

"Rất nhiều loại nông sản như xoài, vải của Việt Nam đã xuất khẩu trong hệ thống của chúng tôi, thủy sản có mực, cá da trơn. Cá ba sa da trơn là loại phổ biến ưa chuộng nhất trong siêu thị. Khi xuất khẩu cá, hải sản sang Nhật Bản, các doanh nghiệp cần lưu ý người Nhật thích đồ có thể ăn tươi sống", ông Shiotani Yuichiro, Giám đốc Aeon Topvalue Việt Nam, chia sẻ.

Không chỉ hợp khẩu vị với người Nhật, lợi thế của các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam là được giảm thuế theo lộ trình bởi các FTA đã ký nên giá cả rất cạnh tranh. Tuy nhiên đảm bảo thương hiệu, ổn định chất lượng, tuân thủ tiêu chuẩn là những khó khăn doanh nghiệp xuất khẩu Việt phải vượt qua.

"Các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng chất cấm trong sản phẩm nông, thủy sản, hàng năm Nhật Bản vẫn phát hiện khoảng 100 vụ vẫn còn dư chất cấm, vượt quá tiêu chuẩn cho phép", ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết.

"Trong bối cảnh tình hình diễn biến khó khăn, các quốc gia sẽ điều chỉnh những chính sách của họ. Vì vậy, chúng ta cần nắm bắt kịp thời", bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.

Hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đang chú trọng đẩy mạnh công tác kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản-thực phẩm của Việt Nam với các nhà nhập khẩu và chuỗi phân phối lớn của Nhật Bản. Những mặt hàng có chất lượng cao của các doanh nghiệp đạt danh hiệu "Thương hiệu quốc gia" cũng được tăng cường giới thiệu, quảng bá tại các hoạt động xúc tiến thương mại của Thương vụ. 

Thông qua sự kết nối của Thương vụ, một số sản phẩm Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản, có thể kể đến các sản phẩm nước dừa, sữa dừa... đã được Công ty KOME nhập khẩu và phân phối cho chuỗi các cửa hàng bán đồ Việt tại Tokyo và các tỉnh lân cận; hay như sản phẩm cà phê Việt Nam đã được nhập khẩu và bán tại chuỗi siêu thị OK - chuỗi siêu thị bình dân rất được ưa chuộng tại Tokyo. 

Cùng với sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng, người dân Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng cao được nhập khẩu từ nước ngoài. Các sản phẩm nông thủy sản-thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng xuất hiện phổ biến với đa dạng chủng loại trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản, như AEON, Donkihote, Itoyokado…

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý một số đặc điểm đặc thù của thị trường để việc xuất khẩu và bán hàng có hiệu quả và mang tính bền vững. Cần tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (VJEPA, AJCEP, CPTPP, RCEP...). Người tiêu dùng Nhật Bản có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục giá bán của một sản phẩm nào đó, do vậy các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả và lượng cung ứng từ phía đối tác Việt Nam.

Các sản phẩm hàng Việt trước tiên cần luôn đảm bảo chất lượng tốt để đáp ứng các quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản, đồng thời cũng cần có sự đa dạng về khẩu vị cho phù hợp với người Nhật, sự cải tiến trong thiết kế mẫu mã bao bì cho bắt mắt và thu hút người tiêu dùng (ví dụ như có nhãn mác ghi bằng tiếng Nhật giới thiệu chi tiết thông tin sản phẩm để tạo niềm tin của người mua hàng). Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giới thiệu về thương hiệu, sản phẩm cũng cần được chú trọng nhiều hơn nữa. 

Anh Vân (t/h)