Kim ngạch xuất khẩu tôm hùm Việt Nam tăng 30 lần

Giá tôm hùm nhập khẩu vào Trung Quốc tăng, trong khi sản lượng đi lên kéo theo giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng xuất khẩu thuỷ sản.

Theo VASEP, lạm phát giá và thiếu nguyên liệu là một bài toán khó cho doanh nghiệp (DN) tôm trong giai đoạn hiện nay. Tôm chân trắng tươi/đông lạnh size nhỏ vẫn được ưa chuộng trong giai đoạn khủng hoảng lạm phát này. Tuy nhiên, một số DN cũng chọn giải pháp tăng tỷ lệ tôm chế biến giá trị gia tăng để xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU khắc phục bối cảnh nguyên liệu khan hiếm.

Xuất khẩu tôm chân trắng chế biến nửa đầu năm tăng 17%, trong khi xuất khẩu tôm tươi/đông lạnh tăng 21%. Xuất khẩu tôm sú nửa đầu năm vẫn tăng 20% đạt hơn 300 triệu USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu tôm hùm tăng trưởng kỷ lục, đạt gần 130 triệu USD trong nửa đầu năm nay, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

tom-hum-bong-la-gi-1656896934.jpg
Ảnh minh họa

Riêng xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022 ghi nhận sự đột phá với mức tăng gấp gần 29 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 108 triệu USD.

Covid bùng phát mạnh và thái độ kiên định với chính sách zero Covid của chính quyền Trung Quốc khiến cho xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này gặp nhiều ách tắc khi nhiều cảng nhập khẩu bị đóng cửa và việc kiểm tra Covid trên hàng đông lạnh ngày càng khắt khe.

Tuy nhiên, vì nhiều nhà máy tại Trung Quốc bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc đang gia tăng thu hút nhiều hơn số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang đây bất chấp những thách thức trên.

Về xu hướng, thị trường Trung Quốc tiếp tục bị chi phối bởi dịch Covid khiến nhập khẩu thuỷ sản bị ảnh hưởng. Đại dịch dẫn đến một số thay đổi trên thị trường như nhà hàng bị hạn chế, tiêu thụ kênh nhà hàng giảm; có sự thay đổi hình thức sản phẩm, Thay đổi kênh phân phối: thu hẹp kênh phân phối truyền thống (siêu thị, cửa hàng); Mở rộng nền tảng thương mại điện tử; Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch và ảnh hưởng gián tiếp đến việc tiêu thụ thủy sản.

Mặt khác, về dài hạn thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng. Là một loại thuỷ sản phổ biến, tôm sẽ được tiêu thụ nhiều hơn trong các hộ gia đình. Nguồn cung tôm từ Trung Quốc giảm trong 3 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các loài thủy sản nhập khẩu mà người tiêu dùng Trung Quốc thích ăn, và các loại có khối lượng nhập khẩu lớn bao gồm: tôm, cá hố, mực ống, cá tra, cá hồi...

Anh Vân (t/h)