Tản mạn Tầm nhìn về quy hoạch

Thế giới vẫn gọi Lã Bất Vi là nhà buôn vua. Nếu đương thời mà ông nói toạc ra kế hoạch quy hoạch buôn vua của mình thì chắc chắn ông không thành công trong việc đưa Tần Doanh Chính lên ngôi vua nước Tần.
800px-tuong-ly-thai-to-2-1663388151.jpg
minh họa

Gạt bỏ những lớp bụi sử liệu, chúng ta chỉ có thể tin chắc rằng Lã Bất Vi đã lập một kế hoạch nhân sự dài hạn. Hơn nữa, học trò của ông đã thành công ngoạn mục, trở thành vị hoàng đế đầu tiên thống nhất nước Tầu, Tần Thủy Hoàng Đế, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ loạn lạc Xuân Thu - Chiến Quốc kéo dài mấy trăm năm, xây dựng một thể chế phong kiến có độ bền đến tận thời hiện đại. Đó là thể chế bá quyền, bành trướng, chỉ tôn trọng quyền tự do duy nhất của một người là vua.

Cuộc chơi nhân sự của Lã Bất Vi kéo dài hơn ba mươi năm, chứ không phải chỉ ngắn hạn. Ông quy hoạch vua từ khi bố của vị vua tương lai còn là một thái tử của nước Tần làm con tin trong thành Hàm Đan của nước Triệu. Sau Lã Bất Vi chưa thấy bên Trung Quốc có ai làm quy hoạch nhân sự giỏi như ông.

Nước ta có vài người, cũng giỏi không kém. Đó là Sư Vạn Hạnh. Ông âm thầm quy hoạch Lý Công Uẩn từ bào thai. Rồi rèn rũa nhân cách, kèm cặp kiến thức cho nhân sự của mình, đưa nhân sự vào triều từ vị trí thấp rồi dần lên đến ngôi hoàng đế. Học trò của ông đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ loạn lạc sau Bắc thuộc và xây dựng một nước Đại Việt hùng cường và thái bình hơn hai trăm năm. Cuộc quy hoạch nhân sự của Sư Vạn Hạnh kéo dài hơn ba mươi năm.

Người quy hoạch nhân sự giỏi thứ hai là Trần Thủ Độ. Nhờ phép quy hoạch của ông mà nước Đại Việt mệt mỏi cuối thời Lý đã lấy lại hào khí Đông A, ba lần đánh tan quân Nguyên. Nhân sự mà Trần Thủ Độ quy hoạch cũng thuộc dòng máu của ông và cái huyết khí ấy không những đủ Trí, Dũng mà còn Tâm nữa. Mấy đời sau phát tâm thành vị Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Người thứ ba là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bàn cờ quy hoạch của ông không có ai thuộc huyết thống. Toàn người dưng. Ông đi nước cờ với họ Mạc, làm cho họ này không những kéo dài triều đại gần trăm năm mà còn giữ yên biên ải phía Bắc. Ông đi nước cờ họ Trịnh, “thờ phật ăn oản”, giúp kết thúc cuộc chiến Nam - Bắc Triều.

Cuối cùng nước cờ họ Nguyễn, đưa Nguyễn Hoàng vượt đèo Ngang, mở rộng nước Việt đến tận mũi Cà mau để có hình chữ S như hiện nay. Những nhân sự mà ông quy hoạch đã thực sự hoàn thành sứ mạng của mình. Ông còn hơn cả Lã Bất Vi, Sư Vạn Hạnh, và Trần Thủ Độ ở chỗ quy hoạch nhân sự ngoài dòng dõi, hậu duệ.

Có lẽ, lịch sử nói chung đã bỏ sót một chương quan trọng. Lịch sử ấy mới nhắc đến tên tuổi các vị anh hùng, mà quên chưa nhắc đến vai trò quan trọng của người làm quy hoạch nhân sự, tiền đề thành công của các vị anh hùng ấy./.