"Tấc đất" không hóa "tấc vàng"

Tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương trong khi nhu cầu tích tụ ruộng đất hình thành quỹ đất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XV về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022, trong đó, đề cập đến nội dung các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, gây lãng phí đất đai.

Nhiều năm nay, hệ lụy từ các dự án “treo”, chậm triển khai này không chỉ ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương mà còn khiến tài nguyên đất đai lãng phí, gây thất thu ngân sách. Cụ thể, Bắc Ninh thu hồi hơn 807.000 m2 đất; Đắk Lắk thu hồi 4.000 m2 đất; Quảng Nam phát hiện sai phạm 148.000 m2 đất; Vĩnh Phúc thu hồi 187.700 m2 đất.

anh-minh-hoa-1-1685504217.jpg
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Mặc dù, khiếu kiện liên quan đến đất đai có xu hướng giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn. 11 tháng năm 2022, cơ quan chức năng tiếp nhận hơn 3.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm gần 97%. Cũng trong thời điểm này, ngành TN&MT kiểm tra, xử lý, thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10.000 hecta.

Đất đai không chỉ là nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất của nền kinh tế, còn là nền tảng sinh kế của người dân. Khác với các tài nguyên hữu hạn khác, quản trị tốt tài nguyên đất còn quyết định sự ổn định xã hội, thịnh vượng quốc gia và bền vững môi trường. Tuy vậy, giá trị gia tăng từ đất, một phần lớn đã bị mất mát vào nhóm có “thông tin và quyền quyết định”. Nhiều “nhóm lợi ích” đã xuất hiện từ đất, người ta ví von là những “bạch tuộc” đất. Quỹ đất thuộc hàng “đất vàng”, “đất bạc”, “đất kim cương” luôn trở thành “đích ngắm” của các nhà đầu tư.

Thực tiễn quá trình phát triển đất nước, chuyển mục đích sử dụng đất là nhu cầu rất lớn. Nhưng vẫn còn nhiều nơi thu hồi xong bỏ hoang hàng chục năm chưa được khai thác và đưa vào sử dụng. Việc này dẫn đến sử dụng lãng phí tài nguyên đất.

Không khó để nhận thấy vẫn còn đó nhiều vụ việc lãng phí đất tại đô thị và nông thôn. Nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả nhưng lại được giao rất nhiều đất, có những khu “đất vàng” trị giá lến đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí, doanh nghiệp được giao đất nhiều đến mức sử dụng không hết, bỏ hoang hoặc cho tư nhân thuê lại với giá bèo bọt.

Sai phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác đất công trong thời gian qua được xem là điển hình khiến không ít cán bộ quản lý cấp cao từ Trung ương đến địa phương lần lượt vướng vào vòng lao lý. Nhiều vụ việc xử nghiêm được nhân dân đồng thuận, song mấu chốt vấn đề làm sao danh sách những vụ án tham nhũng đất đai không kéo dài thêm; làm sao quyền tiếp cận thông tin của người dân được tôn trọng; làm sao những quy định của pháp luật về đất đai đi vào cuộc sống mới là điều cần suy nghĩ?!

Gấp rút lấp đầy những khoảng trống pháp lý trong chính sách pháp luật về đất đai là yêu cầu cấp bách lúc này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tế triển khai thực hiện pháp luật đất đai, đảm bảo tính công khai minh bạch trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất./.

Xuân Hợp