Hệ lụy khó lường từ việc “bán” đất nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới

Nông dân hiến đất nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới, một số địa điểm được chính quyền xã “bút phê” cho cơ sở thôn khoán thầu dài hạn; cơ sở thôn giao khoán theo hình thức trả tiền một lần “sử dụng mãi mãi, mục đích sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình ổn định, lâu dài”. Việc khoán thầu “lâu dài” và cho phép xây dựng công trình ổn định không đúng thẩm quyền chẳng khác nào bán đất, kéo theo không ít hệ lụy mà tới nay chưa thể giải quyết được. Thực trạng trên đang diễn ra tại xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Từ khoán thầu trở thành bán đất trái thẩm quyền?

Từ xưa tới nay đất nông nghiệp vẫn luôn là tư liệu sản xuất chủ yếu, là tài liệu lao động, đối tượng lao động đặc biệt không thể thay thế của ngành nông - lâm nghiệp tại Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản, đất nông nghiệp là loại đất mà Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, trồng rừng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...).

Mặc dù là tư liệu quan trọng, gắn liền với công tác sản xuất và đời sống của bà con nông dân nhưng những hộ dân có đất nông nghiệp tại thôn Thanh Lãng, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vẫn sẵn sàng “hiến đất” để xây dựng nông thôn mới từ lời kêu gọi của địa phương.

untitled-1685149689.jpg
Thực trạng hàng loạt công trình đã mọc lên trên đất nông nghiệp tại xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Sau khi người dân hiến đất, cơ sở thôn đã có văn bản xin ý kiến chính quyền xã để được giao khoán thầu dài hạn một số diện tích đất dân hiến để thảo gỡ khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao cho cơ sở thôn về xây dựng nông thôn mới. Điều đáng nói, cơ sở thôn lại dùng hình thức khoán “trả tiền một lần, sử dụng mãi mãi, mục đích sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình ổn định, lâu dài”.

Cụ thể, ngày 30/4/2015, cơ sở thôn Thanh Lãng đã có Tờ trình gửi UBND xã Minh Hòa về việc cho khoán thầu một số diện tích đất dân hiến. Văn bản nêu: “Căn cứ vào nghị quyết chi bộ thôn Thanh Lãng ngày 3 tháng 2 năm 2015 và cuộc họp nhân dân ngày 14 tháng 3 năm 2015. Để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ mà UBND xã Minh Hòa giao cho cơ sở thôn về việc xây dựng nông thôn mới. Cơ sở thôn trình UBND xã xem xét quyết định một số diện tích mà không thể phân lô quy hoạch làm nhà ở được cụ thể các khu vực: Hạ Làn; Đồng Vông; Bến Nam; Sẹp Cửa Chùa; Bờ Nữa; Cống Xếp.

z4380363028255-17f50b4abeac197f7a347e982f35c390-1685151558.jpg
Uỷ ban Nhân dân xã Minh Hòa.

Cơ sở thôn Thanh Lãng trình UBND xã giúp cơ sở thôn khoán thầu dài hạn cho các hộ gia đình như ruộng cơ bản. Đến khi nào có chủ trương của nhà nước lấy ra thì các hộ nhận khoán thầu trả cho nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Ngày 8/5/2015, ông Hoàng Đức Bồng thời điểm này đang là Chủ tịch UBND xã Minh Hòa cũng đã có “bút phê” xác nhận "UBND xã nhất trí cho cơ sở thôn được khoán quản ở 6 khu vực theo quy định của luật đất đai..."

z4380302141244-4cc42e93f4ef44bbd11f29acdb3135b6-1685150033.jpg
Tờ trình của cơ sở thôn Thanh Lãng gửi UBND xã Minh Hòa và Trích nghị quyết chi bộ thôn Thanh Lãng.

Qua nghiên cứu được biết, Điều 132. Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, Luật Đất đai năm 2023 quy định:

"1. Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.

Đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi là nguồn để hình thành hoặc bổ sung cho quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn...

3. Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều này thì UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm. Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước do UBND cấp xã quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật."

Mặc dù luật quy định thời hạn sử dụng đất mỗi lần thuê không quá 05 năm nhưng cơ sở thôn Thanh Lãng lại sử dụng hình thức "thu tiền một lần sử dụng mãi mãi” và "được xây dựng công trình ổn định, lâu dài". Nội dung này được thể hiện ở biên bản giao khoán cho người dân.

z4380260981224-4a295e701f772035d27545dfb8390239-1685149564.jpg
Biên bản giao đất cho người dân thể hiện rõ mục đích được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng công trình ổn định, lâu dài.

Theo một trong những biên bản giao đất khoán lâu dài mà phóng viên thu thập được, đại diện cơ sở thôn Thanh Lãng là bên giao đất gồm có ông Nguyễn Văn Vân - Bí thư Chi bộ thôn, ông Vũ Thanh Bình - Trưởng thôn và ông Nguyễn Trọng Huân - Thanh tra nhân dân. Người nhận khoán đất là ông Trần Đức Hạnh đã nộp tiền đầy đủ và được sử dụng mãi mãi 260m2 được giao cho ông Trần Đức Hạnh sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình ổn định, lâu dài.

z4380312037657-6e7627b6261e9f0747203fd7141a1472-1685150287.jpg
Phiếu thu tiền 1 lần cho việc khoán thầu tại thôn Thanh Lãng, xã Minh Hòa, hyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Vậy có nghĩa là, chỉ cần trả tiền 1 lần cho khu đất rộng 260m2 thì quyền sử dụng đất đã thuộc về ông Trần Đức Hạnh mãi mãi, ông Hạnh có thể xây dựng công trình và sinh sống trên khu đất này? Liệu đây có phải là bán đất trái thẩm quyền?

Hàng loạt công trình, nhà xưởng “mọc” lên trên đất nông nghiệp

Hệ lụy từ việc giao khoán thầu đất cho mục đích “xây dựng công trình ổn định, lâu dài” ở xã Minh Hòa đã khiến cho những hộ nhận khoán đua nhau xây dựng công trình, nhà xưởng trên đất nông nghiệp.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực Hạ Làn, thôn Thanh Lãng, xã Minh Hòa, trên dải đất “dân hiến” ngày ấy, giờ đây đã mọc lên hàng chục công trình, nhà xưởng đang hoạt động rầm rộ.

ha-lan-1685149472.jpg
Hàng loạt công trình đã "mọc" lên trên khu đất nông nghiệp Hạ Làn.

Tiếp tục tìm hiểu phóng viên được biết, toàn bộ khu đất này vẫn còn là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, nằm ngay hành lang sông và hành lang an toàn giao thông nhưng các công trình vẫn ngang nhiên mọc lên trái phép. Công trình nhỏ thì vài chục mét vuông, công trình lớn thì lên tới hàng trăm mét vuông.

z4380230681461-c577fd0e2b62ba2f5e476f8754e989ab-1685149471.jpg

Xưởng may rộng hàng trăm mét vuông
33-1685150707.jpg
Các công trình

Một số công trình có quy mô xây dựng lớn trong khu vực này có thể kể tới là “xưởng may 3”; Xưởng sản xuất đá mỹ nghệ. Đặc biệt, nằm trong dải đất tại khu vực Hạ Làn còn có công trình nhà kiên cố được cho là của gia đình ông T. H. N - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa. Theo quan sát của phóng viên, hiện nay căn nhà 2 tầng này đang được gia đình nhà ông N làm nơi kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Công trình của gia đình vị Phó Chủ tịch UBND xã này đang bị người dân phản ánh là xây dựng "lấn chiếm hành lang giao thông thủy lợi, làm tôn nhưng Đảng ủy, UBND xã không hề xử lý".

hoai-nam-1685149472.jpg
Công trình được cho là của gia đình ông T. H. N - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa.

Điều khiến cho người dân bức xúc là công trình của lãnh đạo xã và một số gia đình cũng có đất khoán như nhau thì vẫn làm được công trình xây dựng nhà kiên cố và làm công ty nhưng chẳng bị cơ quan nào xử lý, còn đối với người dân khác thì chỉ cần xây công trình tạm cũng bị yêu cầu tháo dỡ. Điển hình là trường hợp nhà bà Bùi Thị Xi, ở khu Bến Nam, nhà bà Xi đang làm mái tôn trên diện tích khoán thầu dài hạn đóng tiền một lần nhưng đã bị UBND xã xử lý, thậm chí còn cưỡng chế, thu giữ máy móc (theo nội dung đơn tố cáo).

1-1685149472.jpg

Thực trạng khu đất Bờ Nữa, thôn Thanh Lãng, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
ben-nam-1685149472.jpg
Khu vực Bến Nam cũng có những công trình mọc lên.

Cũng cùng một hình thức khoán thầu, các khu đất còn lại như Đồng Vông, Bến Nam, Sẹp Cửa Chùa, Bờ Nữa, Cống Xếp thuộc thôn Thanh Lãng cũng đã xuất hiện nhiều công trình, nhà xưởng… trong đó có những nhà máy rộng hàng trăm mét vuông đã được xây dựng và đi vào hoạt động ổn định.

Hệ lụy khó lường, chính quyền loay hoay chưa có phương án xử lý

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Tất Thắng - Chủ tịch UBND xã Minh Hòa cho biết, năm 2011, thực hiện dồn điền đổi thửa và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, địa phương có vận động nhân dân toàn xã hiến 16-20m2/sào đất nông nghiệp để đưa vào đấu giá theo Quyết định 372 của UBND tỉnh Thái Bình. Còn một số vị trí đất “dân hiến” nhưng không phù hợp với quy hoạch giao cho thôn khoán và việc khoán này đã thực hiện trái quy định của pháp luật, không đúng thẩm quyền. Sau khi thôn bán đất, Thanh tra huyện đã làm việc và đã có kết luận.

z4380342667949-684d6edd34fa549e8390b4836f760501-1685151283.jpg
Ông Hoàng Tất Thắng - Chủ tịch UBND xã Minh Hòa (áo trắng) trao đổi thông tin với phóng viên.

Trong chỉ đạo của Huyện, tất cả các trường hợp cũ có thể từng bước giải quyết, không để tái phạm các trường hợp mới.

Chủ tịch UBND xã Minh Hòa cũng thừa nhận loạt công trình, nhà xưởng tại 6 khu vực được giao khoán thầu đều là xây dựng không đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vị này cho rằng các công trình đều đã xây dựng từ lâu, khi có chỉ đạo thì không có công trình mới nào được xây dựng?

Liên quan tới công trình 2 tầng kiên cố của gia đình ông T. H. N - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, ông Thắng giải thích rằng đất đó là do ông N mua lại. Tuy nhiên, vị Chủ tịch xã cũng khẳng định rằng khu vực này không thể quy hoạch được và những công trình xây dựng trên khu đất này đều trái quy định của pháp luật.

hanh-lang-de-1685151274.jpg
Công trình xây dựng được cho là của nhà ông T. H. N - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa nằm trên hành lang thoát lũ và hành lang an toàn giao thông.

“Khu Hạ Lan (khu vực nhà ông N) không thể quy hoạch được, một mặt tim đường vào theo quy định mới là 21m và 5m hành lang sông thì làm sao mà quy hoạch được, nhà anh N cũng không tránh khỏi. Khi mà cần đến kè sông thì các công trình này buộc phải tháo dỡ…” ông Hoàng Tất Thắng - Chủ tịch UBND xã Minh Hòa nói.

Theo thông tin phóng viên có được, người dân đã kiến nghị, tố cáo lên Bộ phận tiếp công dân của Văn phòng Chính phủ sau đó Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển đơn về địa phương xem xét, xử lý. Thế nhưng, đến nay chưa được xử lý.

sss-1685151974.jpg
Phần mái tôn (khoanh vàng) được cho là mới được gia đình ông N làm thêm vào đầu tháng 5/2023.

Khi phóng viên hỏi về việc giải quyết đơn thư kiến nghị về trường hợp nhà ông T. H. N thì Chủ tịch UBND xã Minh Hòa lại trả lời vòng vo và kết luận bằng câu nói “chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý”. Còn đối với loạt công trình, đất đai sai phạm thì đến nay chưa có phương án giải quyết cụ thể.

Hàng loạt công trình vi phạm xây dựng, hàng nghìn mét vuông đất bị sử dụng sai mục đích, có dấu hiệu vi phạm quy định của luật Đất đai, trật tự xây dựng, tiềm ẩn rủi ro gây thất thu cho ngân sách, chính quyền địa phương loay hoay không thể tìm ra phương án giải quyết thấu đáo. Người dân địa phương bức xúc, liên tục có đơn thư kiến nghị vì cùng một loại đất mà người xây được nhà, người lại không quây nổi tấm tôn. Đó là hệ lụy từ việc “bán” đất nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới.

Thiết nghĩ UBND tỉnh Thái Bình, UBND huyện Hưng Hà và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra việc “bán” đất trái thẩm quyền và buông lỏng quản lý đất đai của UBND xã Minh Hòa, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có hành vi sai phạm. Sớm tìm ra phương án giải quyết những hệ lụy để tránh trường hợp đơn thư kiến nghị kéo dài./.

Quang Nhật - Hải Khôi