Nhận thức sâu sắc được hậu quả to lớn của tệ nạn này, nên ngay sau khi mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của Chính phủ là “giặc trong lòng” “giặc nội xâm” vô cùng nguy hiểm”.
Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã luôn thấy rõ và có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng để giáo dục và rèn luyện cán bộ đảng viên cảnh giác và kiên quyết loại bỏ “giặc nội xâm này”. Từ kinh nghiệm và các bài học được rút ra qua quá trình đấu tranh chống tham nhũng, tham ô, lãng phí ngày 01/02/2013, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 162 - QĐ/QĐ/TW thành lập "Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng" do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư làm Trưởng Ban.
Nhìn lại 10 năm hoạt động của Ban chỉ đạo, công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí đã đạt được nhiều kết quả to lớn toàn diện, tích cực, rõ nét, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và trên thực tế đã trở thành “phong trào, xu thế” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, được nhân dân rất đồng tình ủng hộ, bạn bè quốc tế đánh giá cao.
10 năm qua, hàng trăm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, là Ủy viên Trung ương Đảng (kể cả Ủy viên Bộ Chính trị), Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Trưởng, Phó các ngành, đoàn thể ở Trung ương đã bị điều tra, khởi tố và tống giam. Thu hồi về cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng tiền tham nhũng, hàng chục ngàn héc ta đất đai và rất nhiều tài sản có giá trị khác.
Quan điểm số một xuyên suốt của Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là: Trong cuộc đấu tranh này tuyệt đối không có vùng cấm, không có ngoại lệ - Ai tham nhũng, vi phạm luật pháp đều phải xử lý, bất kể họ là ai. Trước đây, khi xử lý tham nhũng dân gian thường có câu “chỉ xử từ vai trở xuống”!. Ngày nay, dư luận đó đã không còn vì nếu vi phạm pháp luật thì cả Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đều bị “vào lò” tất. Quan điểm này, thể hiện pháp luật phải được thượng tôn, Đảng không đứng trên pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Thực thi triệt để quan điểm này, công cuộc chống tham nhũng đang làm cho bộ máy của Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch và càng củng cố niềm tin rất lớn của xã hội, của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Bạn bè quốc tế đánh giá cao hiệu quả chống tham nhũng của Việt Nam và bọn phản động không còn cơ hội để xuyên tạc, bôi nhọ công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất hiệu quả của Đảng.
Quan điểm thứ hai: Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Tuyệt đối không vội vàng, hấp tấp. Ai sai phạm và sai phạm đến đâu xử lý đến đó, đảm bảo xử lý phải đúng luật, đúng tội, đúng người. Nếu chưa đủ căn cứ, chứng lý thì chưa xử lý. “Ném chuột phải giữ bình”, chống tham nhũng nhưng phải giữ được ổn định chính trị, kinh tế - xã hội phải phát triển, tuyệt đối không được để lòng người phân tâm, nhụt ý chí vì chống tham nhũng.
Quan điểm thứ ba: Chống tham nhũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó nhân dân, công luận và báo chí giữ vai trò quan trọng. Đoàn kết để chống tham nhũng và chống tham nhũng để đoàn kết, đồng thuận hơn trong xã hội. Vì cái đích của chống tham nhũng là loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những phần tử thoái hóa biến chất làm cho xã hội trong sạch, lành mạnh, mọi người tin tưởng, đồng tâm, đồng lòng xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc. Bởi thế, đấu tranh chống tham nhũng không phải như kẻ thù xuyên tạc là “nhằm đấu đá nội bộ, thanh trừng lẫn nhau”.
Quan điểm thứ tư: Muốn chống tham nhũng thành công phải xây dựng Nhà nước pháp quyền, một nhà nước thật sự vì dân, do dân, của dân. Mọi định chế phải rõ ràng, công khai, minh bạch. Người dân là chủ thể sáng tạo, mọi giai tầng trong xã hội đều có quyền tham gia xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật và bình đẳng trước pháp luật. Mọi hoạt động của chính quyền đều phải được công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và thụ hưởng quyền lợi. Nói cách khác, phải xây dựng hệ thống luật pháp làm sao để toàn dân có điều kiện tham gia phòng chống tham nhũng và kẻ muốn tham nhũng không dám tham nhũng, hoặc không có “đất” để tham nhũng. Chống tham nhũng lãng phí là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp vì tham nhũng ngày càng biểu hiện tinh vi hơn, khó nhận diện hơn. Nhưng khó khăn mấy càng phải làm và làm quyết liệt hơn, triệt để hơn, hiệu quả hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã hơn một lần tâm sự trước Trung ương: “Tiền nhiều để làm gì? Chết có mang đi được đâu?”“Danh dự, Phẩm giá mới là điều quý giá nhất của một đời người”. Đó là lời tâm sự, lời nhắc nhở chân thành nhất từ gan ruột của Người đứng đầu của Đảng.
Phải chăng mọi cán bộ, đảng viên dù đang giữ cương vị lớn hay nhỏ, dù tay đã lỡ nhúng chàm hay đang có ý định tham nhũng đều phải suy ngẫm thật sâu sắc và cần biết trân quý cái quý giá nhất của đời người là Danh dự và Phẩm giá chứ không phải tiền bạc vật chất, hư danh tầm thường.