Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách là 'chìa khóa' mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, xu hướng quốc tế đang dần chuyển hướng mạnh mẽ sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đặc biệt là tại các thị trường khó tính như EU và Mỹ. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học như: công nghệ sinh học, nano và các phương pháp mới giúp nâng cao hiệu quả và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Nội dụng trên được chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến Nghiên cứu, phát triển và quản lý thuốc bảo vệ thực vật được tổ chức ngày 8/11 vừa qua.

su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-2-1731245034.jpg
Thuốc bảo vệ thực vật có vai trò quan trọng trong bảo vệ, nâng cao năng suất cây trồng, nhưng nếu không sử dụng đúng cách thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, an toàn thực phẩm.(Ảnh minh họa)

Thuốc bảo vệ thực vật giữ vai trò thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thuốc bảo vệ thực vật có vai trò quan trọng trong bảo vệ, nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. Đóng góp của thuốc bảo vệ thực vật không thể phủ nhận trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Nhưng nếu không sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, an toàn thực phẩm.

Năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam có thể đạt trên 60 tỷ USD. Trong con số này, ấn tượng nhất là xuất khẩu trái cây đã đạt trên 6 tỷ, tăng trên 30%. Đây là minh chứng Việt Nam đã tuân thủ tốt các quy định của thị trường nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay đang ngày càng được mở rộng với những con số ấn tượng, tuy nhiên tất cả các thị trường xuất khẩu đều đưa ra các quy định ngặt nghèo về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Về lâu dài, các quy định đó sẽ ngày càng được nâng lên, do đó nhận thức của người sử dụng cũng cần được nâng cao nhằm đảm bảo tuân thủ về quy định không chỉ trong nước mà còn ở thị trường xuất khẩu.

su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-1-1731245130.jpg
Các địa phương đang nỗ lực triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn việc dùng thuốc BVTV đúng cách cho người dân.(Ảnh minh họa)

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, tại Việt Nam hiện có hơn 800 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, thách thức lớn nhất mà ngành đang gặp phải là làm thế nào để người nông dân hiểu đúng về thuốc bảo vệ thực vật, từ đó sử dụng đúng, đảm bảo an toàn sức khoẻ và môi trường cũng như thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

“Chúng ta đang hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, đòi hỏi mỗi cá nhân, người nông dân cần tự nâng cao trách nhiệm của mình, tránh sử dụng không đúng hoặc hiểu sai các quy định của thị trường nhập khẩu. Xu hướng chung hiện nay của các thị trường sẽ nâng cao mức kiểm soát về an toàn thực phẩm trong đó có dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm. Khi bán hàng, nông dân cần tìm hiểu quy định của nước nhập khẩu, hiểu đúng và sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp tránh được những vi phạm khi xuất khẩu nông sản”, ông Hiếu khuyến cáo.

Với lượng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trên, ông Nguyễn Hữu Quảng – đại diện CropLife Việt Nam cho rằng, để nghiên cứu một hoạt chất mới đưa vào sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phục vụ cho sản xuất không hề dễ dàng. Đến nay, thuốc bảo vệ thực vật là một trong các loại sản phẩm được đánh giá về an toàn nghiêm ngặt nhất trên thế giới và đòi hỏi nhiều công đoạn tổng hợp với yêu cầu đánh giá vô cùng khắt khe. Quá trình nghiên cứu kéo dài và tốn kém.

Cần tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vừa phòng trừ được sinh vật gây hại lại an toàn cho con người, môi trường, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) cho rằng, đây là bài toán khó. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguyên tắc quan trọng là chỉ sử dụng khi sinh vật gây hại khi vượt ngưỡng gây hại lớn. Ngành nông nghiệp cần tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và giảm thuốc hóa học. Cần phát triển các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới dù giá cao nhưng phòng trừ sâu bệnh cao và an toàn cho người, môi trường...

"Điều quan trọng là đưa các loại thuốc bảo vệ thực vật đến người nông dân đúng quy định và hướng dẫn bà con sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng" sẽ đảm bảo được việc phòng trừ sâu bệnh cao và an toàn cho con người, môi trường", ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thuốc bảo vệ thực vật hóa học hay sinh học đều có những ưu, nhược điểm. Không thể thiên về dùng một loại nào, mà cần kết hợp hài hòa giữa hai loại, sử dụng luân phiên. Có loại bệnh thì dùng thuốc này, có loại dùng thuốc kia. Có những lúc dịch bệnh xảy ra phải dùng thuốc hóa học mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh.

su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-3-1731245163.jpg
Cần phát triển các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới dù giá cao nhưng phòng trừ sâu bệnh cao và an toàn cho người, môi trường... (Ảnh minh họa)

Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Phòng Thuốc bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) chia sẻ, ngành nông nghiệp có các đề án hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh; trong đó có Đề án "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Hiện trong số hơn 100 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 80% số nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, song sản lượng còn thấp.

Nông dân cần dùng thuốc bảo vệ thực vật sao cho phù hợp, để đảm bảo an toàn cho cây trồng, chất lượng nông sản, đảm bảo đầu ra, sử dụng đúng theo nguyên tắc của thuốc mới đem lại hiệu quả, bà Bùi Thanh Hương nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, mặc dù sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua. Đặc biệt là vấn đề nâng cao công suất sản xuất và đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trong bối cảnh nông nghiệp bền vững ngày càng được ưu tiên, việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn giúp nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam./.

Trọng Bình