Ai ai cũng rất phấn khởi, bởi vụ này, cam không chỉ được mùa mà còn được giá. Đây là cũng thành quả sau bao tháng ngày vất vả của các thành viên.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào trồng 43 ha cây ăn quả theo quy chuẩn VietGAP; quá trình trình chăm sóc đều được các thành viên ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký.
Chị Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã trái cây bản Ôn, thông tin, nhờ việc tuân thủ nghiêm ngặt thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao và khẳng định thương hiệu của hợp tác xã, tạo niềm tin cho khách hàng.
Hiện nay, hợp tác xã có 33 ha cam, 10 ha mận trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, có 15 ha cam canh, 10 ha cam Vinh đang cho thu hoạch. Dự kiến sản lượng cam năm nay của hợp tác xã đạt trên 250 tấn, doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Vui mừng nhất là sản phẩm thu hoạch đến đâu là thương lái các tỉnh phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu… đến tận vườn thu mua. Cam đang trong thời kỳ chín rộ, nên các thành viên đều thuê từ 10-15 lao động để thu hoạch, với giá 200 nghìn đồng/người/ngày công.
Tại vườn cam của gia đình anh Đào Trọng Đạt, những cây cam sai quả nặng trĩu cành, chín mọng, vàng rộ. Để có thành quả như này, anh Đạt ngày ngày bám vườn để chăm sóc, vun trồng.
Anh Đào Trọng Đạt phấn khởi, chia sẻ, trước kia, diện tích cam này anh Đạt trồng mận, nhưng khi cây đã già cỗi, cho sản lượng thấp anh đã phá bỏ để chuyển sang trồng cam. Tham gia vào hợp tác xã anh Đạt cùng với các thành viên khác được hướng dẫn trồng, kỹ thuật chăm sóc cam. Hiện 4 ha cam canh của gia đình anh Đạt đã cho thu hoạch 2 ha, dự kiến thu hoạch được 40 tấn, với giá bán bình quân 35.000 đồng/kg, trừ hết chi phí sẽ cho thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Để cây trồng phát triển tốt, ngay từ đầu vụ, các thành viên của hợp tác xã đã chú ý làm tốt từ khâu xử lý đất, bón phân, giúp cho cây ra hoa đúng thời điểm, đúng cách; thực hiện các công đoạn sau thu hoạch là cắt tỉa, bỏ bớt những cành già, tạo tán cho cây phát triển vững chắc... Khi chăm sóc, các hộ thành viên loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện môi trường....
Đến vườn cam của anh Đào Văn Thiệu cũng là thành viên năng động, tích cực của hợp tác xã trái cây bản Ôn, toàn bộ 2 ha cam canh của gia đình anh Thiệu đều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trở lên. Nhờ đó, sản phẩm được nhiều thương lái biết đến, mỗi khi vào vụ thu hoạch cam là thương lái đến tận vườn mua với giá giao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Anh Thiệu sẽ mở rộng diện tích trồng cam lên khoảng 3 ha.
Thời gian tới, hợp tác xã sẽ giảm dần diện tích trồng mận sang trồng các giống như cam canh, cam Vinh, cam V1, V2… do phần lớn diện tích mận của hợp tác xã đã già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp; các thành viên hợp tác xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, làm chủ các kỹ thuật sản xuất.
Qua đó, giúp diện tích cam thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế các loại sâu bệnh và ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
Với một vụ cam bội thu sẽ giúp các thành viên Hợp tác xã trái cây bản Ôn nói riêng và người dân trên địa bàn thị trấn Nông Trường Mộc Châu nói chung yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vơi bớt những khó khăn trong thời gian dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp./.